Đáng lẽ khi sử dụng thuốc Fosamax, bệnh nhân phải ngồi hoặc đi lại 30 phút thì người này không biết đã đi nằm ngay, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), hầu như lúc nào cũng có bệnh nhân dị ứng thuốc nằm điều trị. Một bệnh nhân nam, 76 tuổi (sống tại Hà Tĩnh) đang trong tình trạng dị ứng thuốc rất nặng. Trước khi điều trị tại đây, bệnh nhân được điều trị tại một đơn vị khác do tai biến mạch máu não.
Tuy nhiên, sau ba ngày điều trị tai biến với 4 loại thuốc mỗi ngày bằng đường uống và truyền tĩnh mạch thì bệnh nhân bị phản ứng rất nặng: sốt và toàn thân nổi những bọng nước lớn. Những bọng nước này phồng rộp, có đường kính 2-3 cm, thậm chí vùng lưng có mảng lớn bằng bàn tay. Bệnh nhân còn bị loét ở miệng và bộ phận sinh dục, nguy cơ bội nhiễm cao.
Đó chỉ là hai trong nhiều trường hợp nguy hiểm khi bị phản ứng thuốc do sử dụng không đúng cách. Bộ Y tế khuyến cáo bác sĩ cần chú trọng đến thông tin cảnh báo dược trước khi kê đơn cho bệnh nhân.
Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc đã cảnh báo về phản ứng có hại của 4 nhóm thuốc gồm: Nhóm thuốc kháng sinh - thuốc điều trị lao - thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm - thuốc điều trị sốt rét. 6 nhóm thuốc kháng sinh nghi ngờ gây phản ứng có hại nhiều nhất gồm: cefotaxim, ceftriaxon,ceftazidim, ciprofloxacin, cefuroxim, amoxicilin/clavulanic.
Theo phó giáo sư Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), với bệnh dị ứng, các bác sĩ điều trị cũng nên lưu ý thêm về dị ứng thuốc để kịp thời hướng dẫn cho người bệnh. Chỉ kê đơn chỉ định khi đã có các chẩn đoán rõ ràng về nguyên nhân.
Đặc biệt, nên tránh tình trạng áp dụng phác đồ “bao vây” bằng cách sử dụng nhiều thuốc. Chỉ nên kê các thuốc có tác dụng điều trị trực tiếp, giảm thuốc tác dụng điều trị “hỗ trợ”, công dụng chưa rõ ràng để giảm bớt số thuốc mà bệnh nhân phải sử dụng, bớt các nguy cơ dị ứng.
Theo Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng, 9 tháng đầu năm 2013, trong tổng số 3.522 báo cáo về các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại, có một báo cáo về mỹ phẩm, hai báo cáo về thuốc trừ sâu, còn lại là báo cáo liên quan đến hơn 4.400 loại thuốc.
Dược sĩ Phạm Thị Mai Trang (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho biết, phản ứng có hại của thuốc có thể làm người bệnh tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí và ảnh hưởng chất lượng điều trị. Phần lớn sự cố liên quan đến thuốc xảy ra khi bệnh nhân được điều trị hơn hai loại thuốc, nhất là những bệnh nhân phải điều trị bệnh lao.
Theo phó giáo sư Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội, Việt Nam bắt đầu có những hoạt động thiết lập hệ thống cảnh báo dược. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của nhân viên y tế khi gặp phản ứng có hại của thuốc.
Do đó, hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc cần sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn trong sử dụng thuốc, khuyến khích cán bộ y tế báo cáo phản ứng có hại của thuốc như là nhiệm vụ chuyên môn và là một phần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Theo Tiền Phong