Trả lời:
Viêm mũi dị ứng có triệu chứng chính: ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, thường bị vào một mùa nhất định hoặc quanh năm. Thuốc điều trị hiện nay có 4 nhóm chính:
- Thuốc kháng histamin: Có tác dụng tốt với triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi và sổ mũi; ít có tác dụng làm giảm nghẹt mũi và thường gây buồn ngủ hoặc cảm giác ngây ngất. Các thuốc kháng histamin thế hệ 2 ít gây buồn ngủ hơn như loratadin, certirizin, fexonadin...
- Thuốc co mạch: Khi nhỏ mũi có tác dụng làm thông thoáng mũi, giúp hết ngạt mũi mau chóng. Tuy nhiên, thuốc co mạch không nên dùng kéo dài quá một tuần vì có thể gây viêm mũi do thuốc. Hết sức thận trọng khi dùng thuốc co mạch ở trẻ em. Naphazoline là thuốc co mạch chống chỉ định ở trẻ em.
- Nhóm kháng cholinergic: Chủ yếu có tác dụng giảm tiết dịch, giảm chảy nước mũi.
- Thuốc chống viêm corticoid: Hiệu quả với cả 4 triệu chứng trên. Tuy nhiên dạng viên uống có nhiều tác dụng phụ nếu dùng kéo dài (trên 10 ngày). Dạng thuốc xịt chủ yếu tác dụng tại chỗ, ít tác dụng phụ, có thể điều trị trong thời gian dài. Các loại corticoid tại chỗ hiện được sử dụng trong điều trị hiện nay là beclomethason, budesonid, fluticason, propionat, memothason...
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh viêm mũi dị ứng cần tránh các tác nhân gây dị ứng như: khói, bụi các loại, các mùi hắc, tránh tiếp xúc với vật nuôi có lông, tránh nhiễm lạnh...
Việc điều trị viêm mũi dị ứng cần kiên trì, nhất là việc sử dụng corticoid xịt mũi. Cần tới các cơ sở y tế tái khám định kỳ để điều chỉnh liều cho phù hợp.
BS. Phạm Tiến, Sức Khỏe & Đời Sống