Thẻ tín dụng của ngân hàng hay các tổ chức tài chính cho phép người dùng có thể sử dụng tiền theo hạn mức được cấp để chi tiêu trước và trả sau với thời hạn miễn lãi 45-55 ngày. Tùy năng lực tài chính mà hạn mức được cấp sẽ khác nhau.
Cụ thể, sinh viên đại học cũng có thể được Sacombank cấp thẻ tín dụng hạn mức lên đến 10 triệu đồng, chi tiêu miễn lãi đến 55 ngày. Với số tiền này, khách hàng có thể chi tiêu từ ngày 20/4 đến ngày 19/5 (một kỳ sao kê thường có 30 ngày), nhưng phải đến ngày 13/6 (tức 25 ngày sau ngày sao kê) mới phải thanh toán. Mỗi ngân hàng sẽ quy định ngày sao kê khác nhau và ngày thanh toán sẽ được thông báo cụ thể hàng tháng.
Người trẻ thường có thu nhập chưa cao, việc có một khoản tiền luôn sẵn sàng trong thẻ khiến nhiều người sợ không kiểm soát, chi tiêu quá tay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu biết cách sử dụng hiệu quả, thẻ tín dụng khá hữu ích trong việc quản lý tài chính cá nhân.
Chi tiêu kỷ luật
Dù có thẻ tín dụng với hạn mức cao, khách hàng nên lập hạn mức chi tiêu theo khả năng, khi nào sẽ có nguồn tiền để trả nợ thẻ. Ví dụ, nếu đang là sinh viên và có hạn mức thẻ 10 triệu đồng, mức chi tiêu chỉ nên dừng ở 4 - 6 triệu đồng.
Duy trì kỷ luật trong chi tiêu, cân đối trong thời gian miễn lãi để không phát sinh chi phí lãi vay, chỉ mua sắm khi đã cân đối tài chính... sẽ giúp khách hàng sử dụng thẻ hiệu quả. Bên cạnh đó, người dùng có thể sử dụng dịch vụ trả góp lãi suất 0% cho các giao dịch với kỳ hạn linh hoạt để tránh áp lực khi đến kỳ thanh toán.
Trả dư nợ đúng hạn
Thanh toán dư nợ đúng hạn giúp bạn không phải chịu thêm bất kỳ khoản phí phát sinh nào. Khách hàng nên để ý thời gian ngân hàng lên sao kê và thanh toán thẻ hàng tháng, đồng thời, thường xuyên kiểm tra tin nhắn nhắc nhở và email thông báo để tránh trường hợp sơ ý quên mất thời điểm trả nợ.
Bên cạnh đó, người dùng có thể tìm hiểu phương thức trích nợ tự động từ tài khoản hoặc theo dõi sao kê giao dịch thông qua ứng dụng của ngân hàng để biết mình chi tiêu bao nhiêu, cân đối tài chính giữa dư nợ và nguồn hoàn trả.
Tận dụng hoàn tiền, điểm thưởng
Tùy theo từng dòng thẻ, khách hàng nên tận dụng hết các ưu đãi để tối ưu chi phí. Nếu là thẻ có tính năng hoàn tiền (cashback), số tiền mà các ngân hàng hoàn lại có thể giao động từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng. Còn là thẻ tích điểm thưởng, người sử dụng có thể dùng quy đổi thành voucher, tiền mặt hoặc ưu đãi thanh toán. Chẳng hạn, nếu mở thẻ Sacombank từ nay đến 30/6, khách hàng sẽ được hoàn 500.000 đồng khi chi tiêu từ một triệu đồng.
Ngoài ra, người sử dụng nên thường xuyên chú ý các thông tin khuyến mại theo từng giai đoạn mà các ngân hàng tung ra để tri ân khách hàng. Chẳng hạn như thanh toán qua thẻ tín dụng được giảm giá khi mua quần áo, ăn uống, mua vé máy bay, tour du lịch...
Tận dụng 55 ngày miễn lãi
Nếu bạn biết tận dụng 55 ngày miễn lãi và có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng như một khoản dự phòng.
Ví dụ, lương của bạn là 15 triệu đồng một tháng. Chi phí sinh hoạt (tiền trọ, ăn uống, đi lại và vui chơi, giải trí) khoảng 9 triệu đồng. Trong số này có khoảng 1/3 phí như tiền nhà trọ, tiền ăn uống ở các gánh hàng nhỏ, mua sắm lặt vặt tại các tiệm tạp hóa... là không thể sử dụng thẻ tín dụng để chi trả. Vậy ngoài 3 triệu đồng phải chi tiền mặt, bạn có thể dùng thẻ để chi 6 triệu còn lại cho các khoản sinh hoạt trong tháng.
Tận dụng 55 ngày miễn lãi và gửi 12 triệu đồng từ lương của bạn vào tài khoản tiết kiệm online tại các ngân hàng để hưởng lãi. Ví dụ như tại Sacombank, với kỳ hạn một tháng, khách hàng được nhận lãi đến 5,4% một năm. Đến ngày trả nợ thẻ tín dụng, bạn có thể rút một phần từ khoản tiết kiệm này để chi trả, vừa không sợ nợ quá hạn, vừa nhận được lãi suất. Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp với những người thật sự kỷ luật và linh hoạt trong hoạt động chi tiêu.
Tâm Anh