Gần đây, hành vi "bắt pen" - dùng hai tay nhấn vào động mạch ở cổ - thu hút hàng nghìn lượt xem, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người chia sẻ cảm giác tò mò, hứng thú, cổ vũ khiến video được lan truyền nhanh và rộng hơn. Để lôi kéo người xem, hành vi này liên tục biến tướng, như thêm dầu gió để thông mũi, "cảm giác phê pha tận nóc".
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, đánh giá đây là hành vi nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng. "Khi dùng tay ép chặt vào mạch có thể gây tắc mạch máu, thậm chí vỡ mạch máu rất nguy hiểm", bác sĩ nói.
Ngoài ra, nhấn mạnh vào động mạch cảnh ở cổ có thể khiến máu lưu thông chậm hoặc ngừng lưu thông, gây thiếu máu não, dẫn đến ngất xỉu, co giật, đột quỵ. Trường hợp có bệnh lý tim mạch hoặc huyết áp có thể tử vong nhanh trong vài phút.
Cùng quan điểm, bác sĩ Calvin Q.Trịnh, Giám đốc Đơn vị Phục hồi chức năng và hình thể HMR, cho biết đây là "trò đùa với tử thần", bởi động mạch cảnh cấp máu lên não, khi bị chèn ép gây thiếu máu, gây lơ mơ, ảo giác rất nguy hiểm.
"Do đó, nhiều bạn trẻ nhầm tưởng đây là cảm giác phê pha, xả stress... giả tạo", bác sĩ nói. Động tác này nguy hiểm như việc bóp cổ, chặn mạch máu, dẫn đến thiếu oxy, chỉ sau ba phút có thể tử vong.
Cổ có một vùng "tam giác chết", nơi có chứa hai mạch máu quan trọng gọi là động mạch cảnh - mạch máu đưa chất dinh dưỡng nuôi toàn bộ não. Do đó, khi tác động mạnh có thể gây ngất xỉu ngay lập tức. Trong quá trình chèn ép vào cố, áp lực lên các mạch máu tăng khiến lượng máu lưu thông bị giảm, nguy cơ đột quỵ tăng.
Tuy nhiên, hành vi này vẫn thu hút trên các nền tảng xã hội vì cung cấp cho người xem trải nghiệm giải trí thú vị, giúp tinh thần thoải mái, thư giãn. "Sự tò mò về các thứ mới lạ đôi khi phải trả giá bằng chính tính mạng", bác sĩ nói.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cũng cho biết cung cấp máu lên não bộ có hai hệ thống mạch máu chính, gồm hai động mạch cảnh (tuần hoàn trước), chịu trách nhiệm 70-80% nhu cầu của não bộ và động mạch sống nền (tuần hoàn sau), chịu trách nhiệm 20-30% nhu cầu máu còn lại.
Các hệ thống mạch máu phía trước, sau và hai bên được liên kết với nhau qua đa giác Willis (giống như vòng xoay giao thông) nhằm đảm bảo nhu cầu máu lên não luôn ổn định khi một bên bị sự cố. Tại hai động mạch cảnh trong đoạn cổ còn có xoang cảnh, tác động điều chỉnh nhịp tim và huyết áp. Khi ép chặt hai bên động mạch cảnh sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng (do chịu trách nhiệm 70-80% lượng máu lên não).
Nếu bỏ tay nhanh có thể gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua. Trường hợp nếu ép quá lâu có thể gây đột quỵ do thiếu máu. Ép cổ gây kích thích xoang cảnh, có thể làm chậm nhịp tim, và ngưng tim.
"Đây là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội", bác sĩ Thắng nói
Các thử thách trên mạng xã hội thu hút rất nhiều thanh thiếu niên. Các bạn trẻ nhìn vào bạn bè mình để nắm bắt xu thế, bắt chước để trở nên "ngầu", nổi tiếng hơn. Tuy nhiên, nhóm này cũng dễ thực hiện những hành vi nguy hiểm hơn.
"Về mặt sinh học, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè đồng trang lứa. Trên mạng xã hội, ảnh hưởng đó còn lớn và nguy hiểm hơn. Các em bị cuốn theo các thử thách và lầm tưởng rằng chúng vô hại khi thấy người thực hiện không bị thương. Điều đó khiến trẻ dễ làm theo các hành động nguy hiểm", theo Mitchell Prinstein, giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý Mỹ.
Khả năng đánh giá rủi ro của trẻ vị thành niên vốn không bằng người lớn. Khi thấy bạn bè tham gia thử thách và được tung hô qua những lượt thích hay bình luận, các em càng có thêm động lực để bắt chước. Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Psychological Science (Khoa học Tâm lý) cho thấy thanh thiếu niên có xu hướng bấm thích theo trào lưu.
Khi một người xem ảnh với nhiều lượt thích, các phần não bộ liên quan đến việc bắt chước sẽ hoạt động mạnh hơn. Prinstein nói: "Những đứa trẻ này đang bị ảnh hưởng ở mức độ vượt quá nhận thức của chúng". Trước đây, sau khi trẻ em tan học trở về nhà, sự tương tác với bạn bè bị hạn chế. Nhà gần như là nơi tách biệt với áp lực xã hội. Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, trẻ tiếp xúc với các bạn ở mọi thời điểm.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin để giáo dục con trẻ. Mạng xã hội là môi trường giúp giới trẻ sáng tạo nội dung nhưng cũng là nơi phát tán không ít trào lưu gây hại. Do đó, gia đình và nhà trường cần giám sát, nhắc nhở và giáo dục học sinh tránh hành vi độc hại. Khi trẻ có biểu hiện bất thường cần kịp thời ngăn chặn để tránh hậu quả đáng tiếc.
Thùy An