Các tàu nói trên đưa khách sang cồn Tân Thuận Đông tham quan chợ quê - một điểm du lịch cộng đồng của TP Cao Lãnh từ cuối năm ngoái. Trung bình mỗi tuần tàu chở hơn 600 khách sang cồn, hầu hết vào thứ 7 - dịp chợ quê hoạt động.

Trước khi có cầu bến, tàu du lịch neo sát bờ kè để khách leo lan can lên xuống. Ảnh: Fanpage Mỹ Phước Thành
Do chưa được phép mở bến, thời gian đầu tàu đậu gần bờ kè sông Tiền, khách leo qua lan can để xuống. Sau đó chủ tàu là Công ty cổ phần Mỹ Phước Thành du lịch Đồng Tháp xây bến tàu, đấu nối vào bờ kè đón khách. Từ dịp lễ 2/9, tàu thu mỗi khách đi và về số tiền 20.000 đồng sau thời gian chở miễn phí.
Lý giải việc để tàu du lịch hoạt động khi chưa đủ điều kiện, UBND TP Cao Lãnh cho biết mô hình chợ quê còn quá mới, nhận được sự quan tâm lớn từ du khách trong khi thủ tục cấp phép mở bến tàu kéo dài. Nếu tàu dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng hoạt động của chợ quê và thu nhập tiểu thương.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 Sở Giao thông Vận tải cấp phép mở bến tàu vận chuyển hành khách, giao ngành chuyên môn thành phố quản lý. Để đưa vào khai thác, đơn vị thuê bến phải đầu tư cầu, bến neo đậu. Hiện chủ tàu chưa ký kết hợp đồng thuê bến với TP Cao Lãnh, nên thành phố buộc tàu dừng hoạt động.
Ông Trương Quang Thái, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ Phước Thành du lịch Đồng Tháp, cho biết tàu du lịch hoạt động được sự cấp phép của cảng vụ đường thủy nội địa. Riêng việc công ty mở bến "chui" là trong thời gian "chạy thí điểm" khi thành phố chưa có bến đủ điều kiện. Công ty sẽ dừng chạy tàu khi thành phố yêu cầu.
Ngoài đi bằng tàu du lịch, khách sang chợ quê có thể đi bằng các bến đò ven sông Tiền với giá mỗi lượt là 3.000 đồng với xe máy, 1.000 đồng với khách.
Ngọc Tài