![]() |
Nguyên liệu làm "giấy ăn" tập kết ở Phong Khê. Ảnh: Công An Nhân Dân. |
"Giấy không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển từ giấy phế liệu, thậm chí rác thải thành giấy ăn và vô vàn sản phẩm hiện đại khác", đó là câu đùa của những người làm ở các cơ sở sản xuất giấy ăn - tên gọi khác của thứ "giấy vệ sinh" thường được dùng trong những quán phở, quán cơm bụi...
Làng Trích Sài ở quận Tây Hồ, Hà Nội được biết đến là nơi chuyên sản xuất giấy ăn thủ công (chủ yếu dành cho những quán cơm bụi, quán phở...). Tuy nhiên, đây chỉ là một điểm lẻ để đóng gói, phân phối hàng cho một số phố ở Hà Nội; còn "đại bản doanh" của thứ giấy rẻ tiền đó nằm mãi ở Bắc Ninh. Và ai đã từng một lần đặt chân đến đó, tận mắt thấy cảnh nhà nhà ồ ạt sản xuất giấy ăn thì sẽ không bao giờ dám dùng nữa.
Giấy hay những phế phẩm có nguồn gốc từ giấy được cánh đồng nát thu gom về từ nhiều nguồn. Nguồn thứ nhất là giấy phế phẩm được gom từ mọi ngóc ngách trong thành phố, các nhà WC công cộng, rác bệnh viện, chất thải của các khu công nghiệp... Loại thứ hai do cánh đồng nát "chuột chũi" cung cấp. Đó là những người tối tối đạp xe sục sạo khắp các vỉa hè, ven cống tìm giấy rác các gia đình vứt ra chờ xe môi trường đến xúc, hoặc đến các bãi rác khổng lồ ở ngoại thành.
Những mớ giấy lộn thập cẩm ấy được các thương lái gom về và cứ "nguyên đai nguyên kiện" đổ về nơi tái chế, trong đó có xã Phong Khê, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, một nơi giàu vì giấy lộn. Ông Nguyễn Văn Huệ, trưởng thôn Dương Ổ cho biết, giấy ăn là mặt hàng chiếm tới 50% sản lượng giấy thành phẩm của thôn, bao gồm giấy ăn bán cân, giấy ăn cao cấp, giấy toilet. Thôn cũng sản xuất cả băng vệ sinh phụ nữ. Nhiều cơ sở sản xuất hàng loạt sản phẩm theo những mẫu mã, thương hiệu đang nổi tiếng trên thị trường.
Theo ông Lê Văn Hoàn, trưởng thôn Châm Khê, thì sau hơn chục năm "sống trên rác", đến bây giờ dân ở khắp các thôn trong xã đã biết thế nào là "chết vùi trong rác", bởi môi trường trong xã đã và đang bị ô nhiễm rất nặng. Cả xã có trên 130 cơ sở sản xuất giấy nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào.
Con sông Ngũ Huyện Khê giờ đã ngừng chảy bởi gồng gánh trên mình vô số rác thải. Những hôm trời nồm, không khí trong xã đặc quánh những mùi khó chịu.Mùi ấy là tập hợp của hoá chất và vô vàn chất phế thải. Cống rãnh trong thôn chỗ nào cũng tắc nghẽn, nước thải sệt sệt một màu đen đặc.
Bệnh tật ngoài da, bệnh đường hô hấp, tiêu hoá... phát triển mạnh ở Phong Khê. Vài năm gần đây, mầm mống căn bệnh ưng thư đã xuất hiện. Theo trưởng thôn Hoàn, tất cả các trường hợp chết trẻ trong thôn đều là do bệnh này.
Thôn Châm Khê có 193 ha ruộng nước, do được "tưới" 100% bằng nước thải nên năng suất rất thấp. Ở thôn Dương Ổ còn tệ hơn, hiện chỉ còn gần 6 ha ruộng lúa nước, nhưng đã hoàn toàn bỏ hoang do không thể canh tác được.
Tái chế giấy từ giấy phế liệu, theo ông Huệ, bắt buộc phải sử dụng hoá chất (cơ bản là nước javel, flo). Toàn bộ những chất hoá học ấy đều được tống thẳng ra đồng theo quy luật "nước chảy chỗ trũng". Lúa, cá tôm, thủy cầm đều không sống nổi.
(Theo Công An Nhân Dân)