Theo Giáo sư tiến sĩ Vũ Gia Hiền, cố vấn chuyên môn Hội quán các bà mẹ ở TP HCM, hát ru có tác động tích cực đến trẻ nên được xem là một kỹ năng giáo dục cảm xúc cơ bản. Theo đó, bố mẹ cần có các kỹ năng sau để hiểu em bé của mình hơn.
Làm sao biết trẻ có cảm xúc?
Cảm xúc của trẻ có ngay khi bắt đầu hình thành trong bụng mẹ, thông qua các tín hiệu truyền đến từ cơ thể mẹ. Cho đến khi bé được sinh ra, cảm xúc trực tiếp ở người mẹ truyền sang trẻ chấm dứt, và cảm xúc tự do bắt đầu hình thành. Nhưng sự tự do ấy luôn bị chi phối bởi môi trường, trước hết là không khí, trẻ phải tự thở để tồn tại; cùng với thở là hệ tuần hoàn, tiêu hóa bắt đầu hoạt động. Lúc này cảm xúc của trẻ được bộc lộ qua những phản xạ tự vệ như: Co người lại khi bị chạm vào da, nheo mắt lại khi có ánh sáng lóe lên, khóc khi có tiếng động lớn hoặc đau đớn…
Trong những ngày đầu tiên, xúc cảm của bé gắn liền với bản năng sống. Dần dần bản năng đó được kiểm soát bởi cảm xúc nhờ những bài học tiếp nhận từ thế giới xung quanh và kinh nghiệm bản thân hoặc học hỏi từ người lớn, đặc biệt là người mẹ. Trẻ có thể tiếp nhận cảm xúc qua cơ thể và năm giác quan, bao gồm tự cảm và xúc cảm (xúc cảm có liên quan đến tác nhân giáo dục, còn tự cảm là gốc của tự giáo dục).
Từ lúc mới sinh ra đến tháng thứ hai, trẻ chịu giáo dục qua sự ảnh hưởng trực tiếp của các hoạt động như: Người thân bế bồng, nâng niu, nét mặt của cha mẹ, chứ chưa có phản ứng gì với các đồ vật khác. Vì thế cha mẹ được khuyên nên cho trẻ tiếp xúc, gần gũi về da thịt để tạo cảm xúc gắn bó mật thiết.
Đón nhận cảm xúc của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh đón nhận cảm xúc qua 3 giác quan: xúc giác, thị giác và thính giác. Sau vài tháng, bé đã phân biệt được các âm thanh và mùi vị khác nhau. Tiếng nói chuyện bình thường hoặc tiếng hát khe khẽ của người lớn cũng tạo ra cảm xúc ở trẻ. Nghiên cứu tâm lý cho thấy những bài hát ru con có tác động tích cực đến trẻ, vì thế hát ru được xem là một kỹ năng giáo dục cơ bản ở giai đoạn này.
Qua nghiên cứu về cơ chế đón nhận cảm xúc của trẻ, các nhà tâm lý học đã đúc kết nên kỹ năng rèn luyện tình cảm con người và tình cảm mẹ con mang tính nhân văn, bằng việc cho trẻ tiếp xúc, gần gũi về da thịt và sự gắn bó trực tiếp giữa trẻ và người lớn. Trong mối quan hệ mẹ - con, ở phía con là đón nhận còn ở mẹ là phát tín hiệu chủ động. Trong vài trường hợp, trẻ cũng phát tín hiệu qua cảm xúc như khóc, vặn mình, cọ quậy chân tay, nhờ đó mà mẹ nhận ra và đáp ứng được nhu cầu của trẻ như cho bú, thay tã, ôm ấp, vỗ về, tạo ra cảm xúc cho bé.
Suy cho cùng kỹ năng chăm sóc trẻ chính là kỹ năng truyền đạt cảm xúc thông qua việc bế bồng, cho con nằm nôi, nằm võng và nựng nịu trẻ. Chính cảm xúc gắn bó mẹ con là cơ sở tạo ra sự phát triển cảm xúc của trẻ với những người xung quanh sau này.
Đến tháng thứ hai, cảm xúc của trẻ đã biểu lộ bằng cách mỉm cười và tỏ ra vui mừng khi có ai đó đến gần và buồn bã khi người đó đi mất, rồi lại tìm chơi với người khác. Điều đó cho thấy trẻ đón nhận và sản sinh ra cảm xúc ngay từ thời kỳ sơ sinh. Vì thế người chăm sóc trẻ sơ sinh cần ý thức được vai trò quan trọng của mình không chỉ là nuôi dưỡng mà còn là “nhà giáo dục cảm xúc” cho trẻ.
Thi Trân