Người gửi: Hoang Minh,
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Đừng quá dồn người ta vào chân tường
Tình thôi xót xa, dù sao cũng chỉ là một ca khúc thị trường, hát về tình yêu, như bao ca khúc khác, cũng không có gì đặc biệt, thậm chí bây giờ nó cũng đã trở thành bài hát cổ lỗ giữa một rừng bài hát thị trường mới.
Tình thôi xót xa, không phải là ca khúc bất tử được trao giải quốc tế để có thể xem như là một báu vật của quốc gia, khiến cho bao nhiêu người phải bức xúc. Vậy tại sao mọi người lại quá nghiêm khắc với nhạc sĩ? Tôi đồng ý với nhạc sĩ Trần Tiến: phải xem xét mục đích của bài hát, vì tiền hay chỉ để mọi người nghe, như một bông hoa làm đẹp thêm cuộc sống.
Ừ thì Tình thôi xót xa đạo nhạc thì đã sao? Tôi hoàn toàn hiểu được tại sao nhạc sĩ Bảo Chấn trả lời quanh co, và theo nhiều người nói là sao không thú nhận sự thật để được hưởng khoan hồng? Có ai hiểu được cảm giác khi mình bị cả thế giới quay lưng không, dù cho mình có lỗi đi nữa nhưng tâm lý tự bảo vệ là hẳn nhiên.
Tôi thấy có nhiều ý kiến viết rằng lòng tự hào dân tộc của các bạn bị tổn thương. Bài hát này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cấp quốc tế vậy sao? Các bạn thường xem đây là niềm tự hào dân tộc nên bây giờ cảm thấy bị hụt hẫng sao? So sánh sự việc trên với trường hợp một số huy chương vàng SEA Games 22 vừa qua của nước ta bị phát hiện dùng doping, thì sự việc nào nghiêm trọng hơn? Không phải nói như vậy để dung túng, để bao che cho hành vi đạo nhạc. Nhưng có những việc nên làm và những việc không nên.
Mọi người hãy nhân hậu và thử đặt mình vào hoàn cảnh của nhạc sĩ Bảo Chấn. "Tôi viết nhạc để mọi người nghe. Nếu mọi người không thích nữa thì tôi không sáng tác vậy", nhạc sĩ Trần Tiến đã nói như vậy. Và tôi cũng mong muốn nhạc sĩ Bảo Chấn hãy tâm niệm như vậy. Các bạn có thể bức xúc, có thể phẫn nộ, có thể nói tất cả những lời lẽ mà các bạn nghĩ là thích đáng cho kẻ có lỗi. Nhưng sau đó, các bạn vẫn thảnh thơi với cuộc sống của mình. Còn người đó, sẽ sống ra sao, sẽ đối mặt với gia đình, con cái, bạn bè, xã hội ra sao. Các bạn đâu cần biết đến. Tôi nhớ có một câu nói "công lý mà không có tình cảm là thứ công lý nhẫn tâm".