Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010, hành vi "sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm” bị nghiêm cấm.
Bên cạnh đó, danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm (Ban hành kèm theo Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm); Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT ngày 4/9/2014 của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số 03 /2016/TT-BNNPTNT ngày 21/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã liệt kê các hóa chất cấm sử dụng tại Việt Nam trong chế biến thực phẩm, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, có một số loại hóa chất như sau:
- Salbutamol: Chất tạo nạc dùng trong chăn nuôi lợn;
- Clenbuterol: Chất kích thích tăng trưởng;
- Formol: Chất bảo quản hay dùng trong chế biến bún, bánh phở…
- Thạch tín
- NaHSO3 (natri hiđrosulfit): chất tẩy trắng
Về hình thức xử phạt
Điều 7 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đến 40.000.000 đồng với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm.
3. Phạt tiền từ 70.000.000 đến 100.000.000 đồng với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
4. Phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 3 Điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm…”.
Ngoài xử lý hành chính tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự 1999: Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Như vậy, hiện nay, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành danh mục những hóa chất cấm sử dụng, chất phụ gia được phép sử dụng, hàm lượng tối đa được sử dụng … trong chế biến thực phẩm, chăn nuôi, trồng trọt.
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm có thể bị phạt đến 100.000.000 đồng hoặc bị xử lý hình sự đến 15 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật nêu trên.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội