Dù ý thức hay không ý thức, dù muốn hay không muốn, mỗi chúng ta đều ít nhiều phải là những "thầy bói mù xem voi" trong cuộc đời - tức là phải quyết định, phán đoán về một vấn đề với lượng thông tin hạn chế, thường không đầy đủ và phiến diện.
Và cũng thường xuyên không kém, chúng ta đúc kết ra những kinh nghiệm ít nhiều lệch lạc từ số ít những trải nghiệm về một vấn đề cụ thể mà ta có. (Đây là khoa học về tâm lý học và xã hội học, không phải phát kiến hay đúc kết của tôi).
Tôi thấy từ quảng cáo tuyển dụng cho đến rất nhiều bình luận liên quan đến sự việc sinh viên Ngoại thương bị từ chối tuyển dụng với lý do "chảnh" là ví dụ điển hình cho những kết luận ở trên đây. Hãy cố đừng là những thầy bói mù xem voi, khi có thể.
Tôi xin được chia sẻ với các bạn trong tư cách một trong những người liên quan nhất, và có khá đầy đủ thông tin để có thể tránh được cái bẫy "thầy bói mù xem voi" ở trên trong chủ đề này (xin nhấn mạnh là chỉ với chủ đề này).
Vì tôi học ĐH Ngoại thương (ĐHNT) từ cách đây gần 20 năm, học về quản trị kinh doanh ở Mỹ cách đây hơn 10 năm, làm giám đốc thuê, rồi mở công ty, và cũng đã đạt được những thành công nhất định, hoàn toàn do nỗ lực của mình.
1. Về ĐH Ngoại thương "chảnh":
Theo tôi, đúng là ĐHNT có vấn đề về môi trường văn hóa "chảnh" mà tôi cho rằng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
- Khách quan: Thứ nhất, đã có những lứa sinh viên ĐHNT (khoảng sinh năm 1960-1965) rất thành công do gặp thời khi Việt Nam mở cửa năm 1986 vào lúc họ khoảng 25-30 tuổi, được học về ngoại thương, có ngoại ngữ, có sự chuẩn bị nhất định về kinh nghiệm để nắm bắt được sự chuyển đổi to lớn và nhanh chóng của cả xã hội. Thứ hai, đầu vào ĐH Ngoại thương luôn thuộc hàng cao nhất từ nhiều năm nay.
- Chủ quan: Có vẻ các thầy cô ĐHNT, ít nhất là các thầy cô dạy lứa chúng tôi, cũng hay truyền cho các bạn sinh viên một niềm tự hào thái quá về khả năng kiếm tiền và thành đạt của sinh viên ĐHNT.
Có thể là do dựa trên thành công của các lứa sinh viên trước đó khi ngoại ngữ là một ưu thế - nhưng sẽ thật sai lầm nếu đến bây giờ mà ai đó vẫn cứ nghĩ rằng ngoại ngữ là ưu thế như nó đã từng có cách đây vài chục năm.
Thứ hai, các bạn sinh viên ĐHNT, trong một môi trường như thế, cũng ít nhiều có những ảo tưởng về tương lai và sự nghiệp, mà chưa hiểu rằng ngoài khả năng, thì phải có thái độ và động lực đúng đắn mới có cơ may phát triển được.
2. Về mức lương nghìn USD:
- Phê phán, bình luận, hay nêu mức lương nghìn USD để nói chung sinh viên NT chảnh là luận điểm sai luôn từ gốc. Vì đúng như vài bạn sinh viên ĐHNT nói rõ, đây thực ra chỉ là một sự phóng đại về một ngộ nhận của một cô, cậu sinh viên năm thứ nhất nào đó (rất có thể đang cao hứng vì vừa đỗ ĐH).
- Giả sử sự ngộ nhận của cô, cậu sinh viên kia có phản ánh một chút về văn hóa "chảnh" của ĐHNT, thì cũng không bao giờ có thể coi là mang tính đại diện để quy kết về mức lương mong muốn, chứ chưa nói đến "độ chảnh" của sinh viên ĐHNT ra trường.
Chẳng ai có thể ngồi một chỗ mà phán sinh viên ĐHNT mong muốn con số lương là bao nhiêu. Con số này chỉ có tính đại diện, nếu được rút ra từ một thống kê có tính khoa học (mà sao ĐHNT không làm một thống kê như thế để phản bác lại dư luận về mức lương nghìn USD nhỉ?).
3. Về nhà tuyển dụng trong quảng cáo:
- Người ta chỉ đóng giầy cho vừa chân chứ không ai làm điều ngược lại. Với mỗi vị trí tuyển dụng, nhà tuyển dụng khôn ngoan sẽ tìm hồ sơ phù hợp nhất (với yêu cầu công việc, mức lương dự kiến) chứ không phải hồ sơ tốt nhất (có thể quá mức ngân sách cho vị trí đó).
Nếu đọc kỹ quảng cáo tuyển dụng trong bài đã nêu thì thấy là vị trí này thực ra ở mức học việc, nên có thể không cần tuyển ĐHNT (thường yêu cầu lương không dưới 5 triệu đồng, chứ không phải 1000 USD).
Hơn nữa, nếu làm xuất nhập khẩu theo nghĩa làm thủ tục hải quan, giao nhận vận tải thì yêu cầu còn đơn giản hơn nữa, thậm chí chả cần đại học, nhanh nhẹn một tý là ổn (tôi chắc chắn về điều này vì không chỉ tôi đã làm, mà công ty tôi còn có vài bạn ĐHNT chuyên làm xuất nhập khẩu).
Mà ai biết trưởng phòng xuất nhập khẩu công ty đó, người có lẽ sẽ "hướng dẫn, đào tạo" (theo quảng cáo) các bạn nhân viên mới, có phải cựu sinh viên ĐHNT không?
Ngoài ra, còn rất nhiều lý do mang tính nguyên lý tổ chức nhân sự để nhà tuyển dụng chọn nhân viên. Ví dụ đơn giản nhất: một đội bóng nên tuyển 10 cầu thủ tấn công như Ronaldo hay chỉ cần một hoặc hai?
- Về mặt lô-gic, trong tập hợp là các sinh viên đại học ra trường, thì việc loại bỏ một trường nào đó khỏi tập hợp, hay chỉ chọn cụ thể một vài trường như các công ty thường làm là tương tự.
Ở công ty tôi (và nhiều tuyển dụng khác), có những vị trí như kế toán kiểm soát, chúng tôi ghi rõ luôn phải tốt nghiệp khá, giỏi từ các trường cụ thể như Học viện Tài chính - Kế toán hay Kinh tế Quốc dân cộng thêm 5-7 năm kinh nghiệm kế toán trưởng.
- Tất nhiên không loại trừ việc nhà tuyển dụng trong quảng cáo cũng có thể mắc lỗi nhận thức kiểu "xem voi", thậm chí, chưa có điều kiện để tuyển ĐHNT. Vì ngoài lương (nếu đủ ngân sách), nhân viên còn nhìn vào nhiều thứ khi xin việc như: tiềm năng phát triển của công ty, khả năng phát triển của mình trong công ty, tầm nhìn và khả năng của lãnh đạo...
Dù bất kể là lý do gì cũng chẳng đến mức phải nhìn vấn đề mang tính trầm trọng từ chuyện công ty đó tuyên bố rằng họ không tuyển ĐHNT vì "chảnh".
Trần Anh Tuấn(*)
(*) Tác giả Trần Anh Tuấn là cựu sinh viên K29, trường Đại học Ngoại thương; hiện là giám đốc Sunstar (Vietnam)