Vụ phun trào đầu tiên đầu tiên xảy ra lúc 8h ngày 14/1, khi một vết nứt xuất hiện trên mặt đất, ngay cạnh thị trấn Grindavik ở tây nam Iceland. Dung nham trào lên chảy về phía thị trấn, nhưng bị bức tường chắn bằng đất đá do giới chức xây dựng những tuần gần đây chặn lại.
Tuy nhiên, đến giữa trưa, vết nứt thứ hai mở ra ở ngay rìa thị trấn. Đến tối, vết nứt này toác ra với chiều dài khoảng 100 mét, khiến dung nham tràn vào Grindavik và nhấn chìm nhiều ngôi nhà. Những dòng dung nham nóng chảy màu cam lan ra và đám khói khổng lồ bốc lên bầu trời đêm.
"Điều tất cả chúng ta hy vọng không xảy ra cuối cùng cũng đến. Dung nham đang tràn vào Grindavik, nơi người dân đã xây dựng cuộc sống, làm nghề đánh cá và các công việc khác, tạo nên cộng đồng hòa hợp", Tổng thống Iceland Gudni Johannesson cho hay, đồng thời kêu gọi người dân giữ vững hy vọng, vượt qua khó khăn.
Ông Johannesson trước đó cho biết không người dân nào gặp nguy hiểm do toàn bộ thị trấn đã được sơ tán một ngày trước đó. Đây là vụ phun trào núi lửa thứ hai trên bán đảo Reykjanes trong vòng chưa đầy một tháng và là đợt bùng phát thứ năm kể từ năm 2021.
"Ở thị trấn nhỏ thế này, chúng tôi giống như một gia đình, tất cả mọi người đều gắn bó với nhau. Thật bi thảm khi chứng kiến điều này", cư dân địa phương Sveinn Ari Gudjonsson, 55 tuổi, nói.
Nhà địa vật lý Magnus Tumi Guomundsson ngày 15/1 cho biết có vẻ vết nứt ở gần thị trấn Grindavik nhất đã ngừng phun trào đêm qua. "Hoạt động phun trào ở vết nứt lớn hơn cũng đã lắng xuống nên tình hình được cải thiện đáng kể", ông nói.
Thị trấn Grindavik nằm cách thủ đô Reykjavik của Iceland khoảng 40 km về phía tây nam. Vụ phun trào trước đó bắt đầu ở hệ thống núi lửa Svartsengi vào ngày 18/12/2023, sau khi 4.000 cư dân Grindavik phải sơ tán và điểm du lịch nổi tiếng Blue Lagoon phải đóng cửa.
Theo chính quyền địa phương, hơn 100 cư dân Grindavik đã trở lại thị trấn những tuần gần đây, trước khi lệnh sơ tán tiếp tục được ban bố hôm 13/1.
Nằm giữa mảng kiến tạo Á - Âu và Bắc Mỹ, hai trong số những mảng kiến tạo lớn nhất hành tinh, Iceland là điểm nóng về hoạt động địa chấn và núi lửa, do hai mảng này di chuyển ngược hướng nhau.
Năm 2010, đám mây tro bụi từ vụ phun trào núi lửa Eyafjallajokull ở miền nam Iceland lan rộng ra phần lớn châu Âu, khiến khoảng 100.000 chuyến bay bị hủy và buộc hàng trăm người Iceland phải sơ tán. Không giống Eyafjallajokull, hệ thống núi lửa Reykjanes không nằm dưới các sông băng nên dự kiến không gây ra những đám mây tro bụi tương tự.
Huyền Lê (Theo Reuters, Guardian)