Người gửi: Cao Tuấn Việt (Khoa Xã hội học - ĐH Công đoàn)
Những ngày qua, sức nóng của kỳ thi với các sĩ tử dường như cũng vơi đi nhiều lần bởi sự đồng hành của màu áo xanh tình nguyện. Từ những bến xe, những ngã ba đường, hay trên mọi trục đường giao thông, đâu đâu cũng thấy màu áo xanh túc trực. Sự hiện diện của họ phần nào đem đến sự an tâm, niềm tin tưởng cho bao thí sinh và phụ huynh.
Không khí của kỳ thi đại học giờ tăng nhiệt hơn bao giờ hết khi đợt thi khối A gần kề. Sáng 3/7, các thí sinh đến các điểm thi để làm thủ tục và nộp lệ phí thi. Đây cũng là lúc để những bạn bị sai xót trong hồ sơ kịp thông báo cho hội đồng tuyển sinh.
Và màu áo tình nguyện ấy tại những điểm thi lúc này dường như trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Dưới cái nắng hừng hừng oi bức, bị vây quanh bởi rất rất nhiều thí sinh, nhưng trên khuôn mặt họ vẫn thường trực những nụ cười, xoay như chong chóng để cố giải đáp cho hết mọi thắc mắc của sĩ tử.
Tại những nút giao cắt trên các trục đường, các bạn lại là những người chung sức cùng lực lượng SCGT làm giảm tình trạng nghẽn tắc cục bộ.
![]() |
Sinh viên tình nguyện giúp thí sinh và phụ huynh ngay tại bến xe. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chiều 3/7, tại Văn Miếu - biểu tượng của lịch sử ngàn năm văn hiến, của truyền thống hiếu học nước nhà... đã có mặt rất nhiều sĩ tử. Với nhiều sĩ tử đây là lần đầu tiên họ đến thủ đô, vào thăm Văn Miếu. Nhưng một điều kỳ lạ là từ bao lâu nay, lớp lớp sĩ tử cứ đến ngày “lai Kinh ứng thí” ai cũng mong một lần đến địa điểm này để dâng hương và chạm vào đầu những cụ rùa đá, sờ vào mặt bia (dù biết rằng đó là điều cấm).
Có mặt tại nơi đây những ngày này mới thấy hết sự vất vả của các bạn sinh viên tình nguyện. Trong gần một tuần lễ qua hơn 30 bạn sinh viên tình nguyện của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng với 23 sinh viên của CĐ Sư phạm Hà Nội đã thay phiên nhau chia ca túc trực tại địa điểm này để giữ ổn định trật tự và nhắc nhở, ngăn cản những hành động quá khích của những người đến đây.
Từng là sĩ tử, cũng từng nếm trải cái cảm giác háo hức lấy may qua việc “xoa đầu rùa” này... các bạn ấy cũng rất hiểu cho tâm lý chung của thí sinh. Nhưng nhiệm vụ vẫn là nhiệm vụ. Không giống như nhiều tân sĩ tử bồn chồn, háo hức, đi qua đi lại chỉ mong được sờ đầu rùa một lần cho thỏa lòng mong ước, nhiều thí sinh có “kinh nghiệm lai Kinh” đã bày đủ trò chọc phá các bạn. Đáng tiếc ngay cả một số bác phụ huynh cũng buông những lời không hay...
Cống hiến hết nhiệt huyết của mình cho công tác tình nguyện, thức khuya dậy sớm cùng thí sinh một cách vô tư... Nhưng dường như những việc làm ấy đã bị một bộ phận mọi người hiểu chưa đúng. "Làm sinh viên tình nguyện thì có được gì không? Có được trợ cấp gì không?" - nhiều người đã hỏi tôi như thế - và tôi tin câu hỏi ấy không chỉ dành cho riêng tôi. Nhưng câu trả lời của chúng tôi chỉ có một: "Không có những thứ ấy...".
![]() |
Một nữ sinh viên tình nguyện ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) hướng dẫn thí sinh trong ngày làm thủ tục dự thi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tôi còn nhớ như in câu chuyện trên xe buýt hôm nay, động lực khiến tôi chấp bút viết nên bài báo này. Khi trên xe từ trường về nhà tôi gặp một bạn sinh viên tình nguyện và có một anh cười cợt hỏi bạn ấy về vấn đề tôi nêu ở trên: "Bọn em đi tình nguyện thì được bao nhiêu tiền?" rồi là: "Có được trợ cấp tiền ăn không?"... rồi anh ta lại còn thêm câu: "Sao không được gì mà bọn em vẫn hăng hái thế nhi?"
Vô tình nghe được câu nói ấy, người tôi bị kích thích cực độ, huyết áp tăng lên lúc nào không hay... Đang định quay phắt lại cho "hắn" một bài thì tôi thấy cô bạn nhỏ nhắn ấy ôn tồn lên tiếng "...đi tình nguyện thì tất nhiên không phải chỉ trông chờ được gì rồi thì mới làm, đã là tình nguyện thì phải hăng hái, phải có mục tiêu của mình để phấn đấu, đâu phải cứ cần trợ cấp của trường thì mới làm...".
Tôi nghe xong mà cảm thấy nhẹ nhõm như chính mình vừa nói ra câu ấy vậy. Chẳng lẽ chúng tôi làm tình nguyện chỉ vì những thứ ấy? Chợt nhớ đến các thế hệ "thanh niên xung phong" ông cha hừng hực nhiệt huyết, hiến dâng tuổi xuân, máu và xương thịt trên khắp các chiến trường... Phải chăng họ làm thế cũng vì "được cái gì" như người thanh niên kia nói?
Đã 8 năm kể từ khi phong trào "Tiếp sức mùa thi" được phát động, càng ngày sự kiện này càng thu hút được sự tham gia nhiều hơn của lực lượng đoàn viên thanh niên, nòng cốt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Dù biết vẫn còn những "hạt sạn" song nếu đâu đó còn những luồng dư luận, nghi vấn về thế hệ tương lai của đất nước thì nhìn những hình ảnh này, có lẽ chúng ta cũng đều sẽ có những suy nghĩ khác đi...