From: Brantner, Van
Sent: Saturday, October 04, 2008 4:06 AM
Subject: cam on chi Truc Quynh va anh Loyd Tran
Thân gửi bạn đọc VnExpress.net,
Trước hết cho tôi được gửi lời cảm ơn chân thành tới chị Trúc Quỳnh, anh Loyd Trần và đông đảo bạn đọc gần xa đã dành thời gian chia sẻ những ý kiến phân tích rất sâu sắc, đáng để cho chúng ta suy nghĩ, rút ra kinh nghiệm và bài học cho bản thân, gia đình cũng như xã hội mà chúng ta đang sống.
Tôi đã được đọc các ý kiến phản hồi gửi cho chị Quỳnh, và tôi thấy lý do được đưa ra để biện hộ cho những phẩm chất tạm coi là không tốt đẹp mấy của phái mạnh Việt Nam thì nhiều vô kể. Tôi chỉ đưa ra một ví dụ ở đây thôi để khỏi tốn thời gian của bạn đọc.
Có anh nhận định rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đàn ông không có nhiều thời gian dành cho gia đình nên phải trông chờ hoàn toàn vào chị em phụ nữ trong việc thu vén nhà cửa con cái cho chu toàn. Tôi thấy nhận định này đi trái ngược lại hoàn toàn với sự phát triển của cuộc sống hiện đại ngày nay.
Trong cuộc sống hiện đại, ngày càng nhiều phụ nữ có công việc mà áp lực chẳng kém gì công việc của chồng. Bản thân tôi, là một phụ nữ và quản lý cho một tập đoàn ngân hàng lớn của Mỹ, công việc của tôi đang trải qua những ảnh hưởng trực tiếp từ cơn khủng hoảng tài chính ở đây, sức ép công việc vô cùng nặng nề, chẳng nhẽ chồng tôi cũng bảo “đàn ông không có nhiều thời gian dành cho gia đình nên phải trông chờ hoàn toàn vào tôi trong việc thu vén nhà cửa”?
Cũng may là chồng tôi không có những lập luận như vậy. Đối với chúng tôi, hôn nhân hạnh phúc có nghĩa là cả hai cùng cố gắng chia sẻ trách nhiệm gia đình với nhau, từ việc lớn cho tới việc nhỏ. Ví dụ, ngày thường tôi dậy sớm hơn chồng tôi thì tôi pha cafê sẵn cho anh, cuối tuần anh dậy trước tôi thì anh pha trà sẵn cho tôi.
Thứ bảy tôi vừa ngủ dậy thì anh hỏi em muốn ăn gì để anh làm, tôi bảo anh khỏi phải làm gì cho vất vả, thì anh bảo "nhưng anh muốn mang đến một nụ cười trên khuôn mặt em". Tôi cứ tự hỏi có bao nhiêu người chồng Việt Nam vẫn còn thể hiện tình yêu đối với vợ mình từ lời nói cho tới việc làm như thế sau hơn 13 năm chung sống?
Tôi không ca ngợi chồng tôi vì anh là tây hay tàu, Mỹ hay Nhật, chỉ đơn giản vì anh là một người chồng tốt. Và tôi thấy chị Quỳnh cũng có quyền tự hào về chồng mình, chị ấy chia sẻ để phái mạnh Việt Nam có thể học tập những điểm tốt thì cũng đúng chứ, sao các anh đã vội vã gán cho chị cái mác “hướng ngoại”.
Một phương pháp quản lý được áp dụng rất phổ biến ở Mỹ là “best practices”, tức là nhân viên hoặc lãnh đạo làm việc có hiệu quả thường được yêu cầu chia sẻ với đồng nghiệp lý do vì sao họ thành công để mọi người cùng học hỏi. Hãy coi những chia sẻ của chị Quỳnh như là một cơ hội để các anh học hỏi thì có sao?
Một điều nữa tôi mong rằng các anh chị đừng nghĩ những phụ nữ lấy chồng ngoại (trong đó có tôi) là mất gốc, quên nòi giống của mình. Chúng tôi dù sống xa tổ quốc, nhưng lòng luôn hướng về đất mẹ, buồn vui với từng thay đối của quê hương. Bao nhiêu năm đi làm là bấy nhiêu năm tôi đóng góp cho tổ chức từ thiện để xây dựng trường học cho các trẻ em vùng sâu vùng xa ở Việt Nam.
Có em bé Việt Nam đi chữa bệnh ở bên này, tôi cũng xin giúp đỡ vì là tình đồng bào ruột thịt. Ngày Tết chúng tôi làm cơm Việt Nam, mời bạn bè tới để giới thiệu với họ về những truyền thống tốt đẹp mà tôi rất tự hào của quê hương mình. Nhưng tôi không thể tự hào về tính gia trưởng, nạn bạo hành trong gia đình, lối văn hóa nhậu nhẹt, ngoại tình, đi từ A tới Z trong quan hệ làm ăn, thiếu trách nhiệm với gia đình còn tồn tại với rất nhiều người đàn ông Việt Nam ngày nay mà họ cho là bình thường.
Xin các anh hãy cắt bỏ đi để những phẩm chất như thế này không còn được coi là “truyền thống văn hóa” của gia đình Việt nữa.
Xin cảm ơn.