Dự án được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai tại Hải Vân Quan vào từ tháng 9, vừa mở rộng ra Đại Nội và dự kiến triển khai tại toàn bộ điểm du lịch văn hóa trong tỉnh.
Tại mỗi địa danh, đơn vị sẽ triển khai Trạm tương tác thông minh sử dụng giải pháp Tap Quest, rải rác ở nhiều vị trí. Đây thực chất là bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm gần (NFC), có thể tương tác với smartphone bằng cách chạm mặt lưng.
Khi người dùng chạm smartphone vào bảng, họ sẽ được dẫn tới website của dự án. Tại đây, thông tin về các hiện vật, địa điểm tương ứng sẽ được giới thiệu tới người dùng thông qua hình thức thể hiện như hình ảnh, video, mô hình 3D, văn bản, giọng nói và cung cấp giống như một hướng dẫn viên thực sự.
Theo đơn vị phụ trách kỹ thuật Phygital Labs của Việt Nam, dù có nhiều cách để đưa người dùng đến website, giải pháp chạm tạo ra sự khác biệt là họ phải đến tận nơi và có những trải nghiệm kết hợp giữa thế giới thực và không gian ảo.
Ví dụ, tại Đại Nội Huế, nhà phát triển đặt 17 trạm tương tác tại khu di tích. Khách du lịch sau khi chạm vào trạm đầu tiên sẽ được cung cấp lộ trình và dẫn đường đến điểm tham quan tiếp theo. Nếu chạm được cả 17 bảng, họ được tính là hoàn thành thử thách, được ghi danh lên website cùng một huy hiệu kỹ thuật số làm chứng nhận.
Theo nhà phát triển, cách làm này thúc đẩy mọi người khám phá trọn vẹn cả khu du lịch theo lộ trình tối ưu. Ngoài ra, tính năng chụp ảnh check-in mỗi điểm cũng giúp thỏa mãn nhu cầu "khắc tên ảo" lên di tích, lưu dấu trên phiên bản kỹ thuật số. Người dùng tại mỗi địa điểm có thể đăng tải ảnh chụp và lời nhắn, lời bình luận lên website.
"Cách này không gây mất mỹ quan cho các danh thắng, đồng thời giúp quảng bá địa danh trên mạng", nhà phát triển nói. Ngoài ra, những người ở xa cũng có thể tham khảo thông tin thực tế trước khi quyết định đến du lịch.
Đến ngày 12/12, hai địa danh trên thu hút gần 10.000 lượt người tham gia thử thách khám phá cùng hàng nghìn ảnh được chia sẻ lên nền tảng.
Theo đại diện Phygital Labs, đây cũng là một trong những biện pháp ứng dụng công nghệ mới vào du lịch văn hóa, một xu hướng mới đang được phát triển trên thế giới. Nếu được triển khai ở nhiều khu vực di tích hơn, nền tảng có thể tạo ra một bản đồ tổng thể liên kết toàn bộ các khu vực, giúp du khách có trải nghiệm liền mạch xuyên suốt, đồng thời nhà phát triển cũng có thể đưa các chức năng mới thúc đẩy tương tác của người dùng.
Lưu Quý