Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các ngành, địa phương về việc điều hành ngân sách, với một loạt biện pháp cắt giảm tiêu. Cụ thể, để bổ sung nguồn dự phòng, Bộ Tài chính yêu cầu thu hồi số vốn đầu tư, các khoản dự toán chi thường xuyên chưa phân bổ, thực hiện đến hết ngày 30/6. Ngoài ra, với nguồn kinh phí đã bố trí để mua sắm, sửa chữa sẽ chỉ được phê duyệt nếu thực sự cấp bách.
Cơ quan quản lý cho biết: "Các chương trình, dự án, đề tài đã được bố trí dự toán nhưng hết quý III chưa triển khai thì đề nghị tạm dừng để giảm chi ngân sách Nhà nước". Ngay cả các các dự án đầu tư đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 nhưng đến 30/6 chưa tiến hành thủ tục thanh toán cũng sẽ phải thu hồi vốn để bổ sung dự phòng ngân sách.
Gần đây, Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội cho phép nới trần bội chi để có thêm ngân sách chi cho đầu tư phát triển khi các khoản chi tiêu thường xuyên rất khó thắt chặt. Trong cơ cấu chi ngân sách hiện nay, tỷ trọng chi cho thường xuyên đang tăng rất nhanh, từ mức 65% của năm 2005 lên 77,1% vào năm 2012. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với tốc độ chi tiêu thường xuyên lớn như vậy thì không có túi tiền của quốc gia nào chịu đựng nổi. Do đó, việc Bộ Tài chính đưa ra những chỉ đạo trên trong bối cảnh này được đánh giá là hợp lý.
Để giảm chi tiêu thường xuyên, Bộ Tài chính yêu cầu lùi thời gian thực hiện chi mua xe công, cắt giảm chi phí điện, nước, văn phòng phẩm. Cụ thể, việc nhận văn bản, chỉ đạo sẽ qua mạng công nghệ thông tin để hạn chế in, photo giấy tờ không cần thiết. Ngoài ra, công văn cũng yêu cầu tận dụng giấy in 2 mặt để tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, việc tổ chức hội nghị, hội thảo cũng kiên quyết phải cắt giảm. Trong công văn gửi các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh yêu cầu tăng cường họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành để hạn chế chi phí tổ chức, đi lại, ăn ở. Bên cạnh đó, hội nghị, hội thảo nội dung không thiết thực, lễ tổng kết, nhận huân huy chương, lễ ký kết, khởi công, khánh thành... cũng phải hạn chế.
Để giảm chi phí đi công tác trong nước và nước ngoài, Bộ Tài chính cho biết chỉ trường hợp thực sự cần thiết mới cử đi công tác nước ngoài, cấm triệt để việc kết hợp công tác để du lịch. "Trong trường hợp phải tổ chức đoàn công tác, phải xác định cụ thể nhiệm vụ của từng người trong đoàn. Các đoàn công tác từ cấp trên xuống cấp dưới cũng phải đảm bảo gọn nhẹ, tiết kiệm, không được tổ chức đón tiếp tốn kém", đại diện Bộ nêu rõ.
Thanh Thanh Lan