Trẻ em rất thích được lì xì. |
Bé Phong, con anh Thành, đã 9 tuổi, đã biết tự mua nhiều thứ bánh kẹo, đồ chơi, truyện tranh bằng cách tiết kiệm tiền quà sáng hoặc xin bố mẹ. Tuy nhiên, do không bao giờ có nhiều tiền nên cháu vẫn mong đến Tết để được lì xì, coi đó là một dịp "tăng thu nhập".
Dịp Tết năm ngoái, mỗi lần khách của bố mẹ đến chơi và mừng tuổi, Phong đều háo hức mở ngay ra để kiểm tra. Nếu thấy tờ tiền mệnh giá lớn, cháu mừng ra mặt, còn nếu là tờ 5.000, 10.000 đồng thì xịu ngay mặt lại, nhìn khách một cách rất thiếu thiện cảm. Có lần, hai vị khách cùng lì xì cho Phong. Cậu bé mở ra xem và rối rít cảm ơn người mừng tuổi 100.000 đồng, khiến anh Thành và vị khách kia đều ngượng.
Còn chị Huệ (Sơn Tây, Hà Tây) cũng ngán khi nghĩ đến chuyện mừng tuổi của con mình. Ngày Tết, hễ có khách đến nhà là cô bé Phương, 7 tuổi, nhanh nhảu ra chào, khi được mừng tuổi thì cảm ơn rất lễ phép. Nếu không, bé nhắc ngay: "Bác lì xì cho cháu đi!". Nhiều vị khách cười xòa và rút ví mừng tuổi Phương, nhưng không ít người lúng túng khi phải lờ đi đề nghị của cháu, có lẽ vì không sẵn tiền mệnh giá thấp.
Nhiều phụ huynh khác cũng thấy khó xử và buồn khi nghe con hồn nhiên nhận xét kiểu "Con không thích ông nội vì ông lì xì ít hơn mẹ", hay "Mợ Tám keo kiệt lắm"... Ý nghĩa của việc lì xì là chúc phúc, chúc sức khỏe, may mắn... trong dịp năm mới. Tuy nhiên, ở rất nhiều gia đình, tập quán tốt đẹp này đã mất đi giá trị tinh thần tốt đẹp của nó. Việc đánh giá giá trị vật chất của những tờ tiền trong phong bao lì xì có thể làm hại đến thói quen tiêu dùng và tính cách của trẻ.
Theo ông Lê Huỳnh, Trưởng bộ môn Giáo dục Kỹ năng sống (Trung tâm đào tạo HLV võ thuật Việt Nam), trong việc này, lỗi là ở người lớn. Một số phụ huynh thường đem số tiền con cháu mình được lì xì ra làm đề tài "thi đua" với nhau, hoặc khen người này rộng rãi, người kia bủn xỉn, vô tình làm cho trẻ hiểu sai về mục đích tốt đẹp của văn hóa chúc Tết. Có những người để mặc cho con trẻ tự do sử dụng tiền lì xì vô lối; hoặc khi trẻ đòi mua gì thì bảo gắng chờ đến Tết có tiền lì xì sẽ mua. Điều này tạo cho trẻ tâm lý mong chờ Tết như một cơ hội kiếm tiền.
Không nên lì xì nhiều tiền
Để trẻ không coi lì xì là việc "cho tiền", người lớn không nên mừng tuổi trẻ bằng tiền mệnh giá cao. Việc lì xì nhiều tiền vô tình tạo cho trẻ thói quen sử dụng số tiền lớn và tự do, trái với ý thức tiết kiệm. Nguy hiểm hơn là sự hình thành ý thích có nhiều tiền nhưng không bằng con đường lao động (có thể sẽ manh nha suy nghĩ kiếm thật nhiều tiền bằng con đường may rủi, chờ thời... khi trưởng thành).
Mặt khác, việc lì xì nhiều tiền sẽ tập cho trẻ thói quen so bì không đúng, gây khó khăn cho việc giáo dục nhân cách, giao tiếp trong gia đình, xã hội. Do đó, nên trả tập quán lì xì về với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó là "chúc may mắn", "chúc sức khỏe".... không phải để tiêu xài. Cho vào phong bao những đồng tiền mới, đẹp.
Hoặc thay vì tiền, người lớn có thể lì xì cho trẻ bằng một món quà nhỏ khác, phục vụ cho việc học tập, giải trí, mở mang kiến thức hoặc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ em, như sách, đồ chơi, dụng cụ học tập.
Phụ huynh cũng nên "thảo luận" và hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền lì xì một cách bổ ích, thiết thực và phù hợp hơn, coi đây là cơ hội để giáo dục cho trẻ ý thức tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm.
Mặt khác, hàng năm vào dịp tết cổ truyền dân tộc, Chính phủ có thể in một loại tiền mệnh giá nhỏ, đẹp và khác thường để làm "Vật may mắn", "Chúc phúc"... mỗi khi xuân về. Loại tiền này không có giá trị mua sắm nhưng có thể tích lũy và được đổi sang những vật phẩm mang tính rèn luyện hoặc giáo dục phù hợp hơn với trẻ em.
Hải Hà