Có một câu nói rất hay mà tôi từng đọc: "Hãy hạnh phúc với những điều nhỏ bé mà bạn đang có. Có những người họ không có gì cả nhưng vẫn tìm được cách để mỉm cười". Đó là những gì tôi sắp kể ra. Tôi tin khi đọc xong câu chuyện này, bạn sẽ ngồi dậy và sẽ làm những gì bạn chưa làm được. Bạn sẽ mỉm cười và bước qua những khó khăn một cách vững vàng và mạnh mẽ.
Bà không phải là bà nội, cũng không phải là bà ngoại của tôi. Bà chỉ là người bán bánh dạo ngoài đường, nhưng những gì đọng lại trong tâm trí tôi là một hình ảnh người bà kham khổ, tội nghiệp và thật sự đầy nghị lực. Câu chuyện về bà cụ bảy mươi hai tuổi khiến tôi không bao giờ quên. Ngày đó tôi là sinh viên năm nhất, xa nhà và rất nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Đặc biệt, tôi rất nhớ bà nội, người luôn mang lại cảm giác ấm áp trong tôi. Đêm đầu tiên ở trọ, tôi không ngủ được một phần vì không gian ồn ào của thành thị, phần vì nhớ gia đình, tôi nhớ bà nội tôi lắm.
Đêm trôi qua thật buồn tẻ và tôi trằn trọc cả đêm dài cho đến tận chín giờ sáng hôm sau mà vẫn còn nằm trên giường. Tôi suy nghĩ lung tung về chuyện học hành. Đâu đó văng vẳng bên tai tôi tiếng rao bán bánh của một bà cụ. Tiếng rao ấy nghe sao giống giọng nói bà nội quá. Nó thu hút đến nỗi tôi phải bật dậy và chạy ra ngoài ngay. Nhưng không như tôi nghĩ, đó không phải là bà nội, mà là một hình ảnh một bà cụ với dáng người gầy, lom khom, khuôn mặt khắc khổ, mái tóc bạc trắng, đội chiếc mũ nhỏ nhắn, trên tay đeo chiếc nhẫn đồng. Bà cứ sải bước đều đặn, một tay xách túi ni lông đựng bánh mì, một tay thì ôm nia bánh với đủ loại bánh nào là bánh cam, bánh gạo... Bà vừa đi vừa rao “bánh không?”. Bà nhìn tôi với ánh mắt đầy nhân từ và tha thiết như muốn nói mua giúp ba ít bánh. Tôi mua cho bà 10.000 đồng bánh, bà cảm ơn rối rít và không quên nói với tôi “Con cứ mua thoải mái đi, mua chịu bánh bà cũng được, khi nào có tiền thì đưa bà”.
Và cứ như thế như một thói quen đều đặn, sáng nào tôi cũng để dành tiền mua bánh cho bà cụ. Câu chuyện đến đây chẳng có gì để nói, nhưng những gì tôi thấy, tôi nghe từ bà vào một chiều mưa thì tôi mới biết được nhiều điều về cuộc sống của bà. Chiều hôm đó đang đi trên đường, tôi thấy thấp thoáng dáng bà từ xa, bà đang loay hoay tìm thứ gì đó bên vệ đường. Tôi đi nhanh về phía bà và hỏi hỏi: “bà ơi, bà tìm gì đó?”. Bà nhìn tôi và nói: “bà đang nhặt ve chai con ạ”. Bỗng trời đổ mưa, mưa càng lúc càng nặng hạt. Thấy trời mưa lớn hơn, tôi nói: “bà ơi bà về đi kẻo ốm mất...”. Tôi vừa nói chưa hết câu thì bà kéo tay tôi vào lề đường và nói: “bà ngồi đây để khi nào tạnh mưa bà đi lụm tiếp nha con, chứ bà với con đứng ngoài mưa, lỡ con bệnh tội nghiệp con”. Cảm giác đó thật ấm lòng, bà như bà nội tôi vậy, luôn lo lắng cho tôi.
Bà ơi, cảm giác ngày hôm đó con không bao giờ quên, cái cảm giác đó khiến con nghĩ nhiều lắm bà ạ. Con nghĩ mình phải sống tốt hơn bà ạ, và đối xử tốt mọi người, như bà đối với con và mọi người vậy đó. Bà không chỉ nhân hậu đâu, mà còn rất nghị lực nữa. Có những buổi sáng con ngồi đợi mua bánh của bà, nhưng đợi mãi chẳng thấy bà đâu. Con biết bà không đủ tiền để lấy bánh bán cho chúng con, nên mà đành đi nhặt ve chai để dành tiền lấy bánh. Bà không buồn cho hoàn cảnh của mình, mà lấy đó làm động lực và tiếp tục sống thật tốt. Bà kể với mấy đứa con về hoàn cảnh của bà, khiến chúng con chạnh lòng lắm, càng thương cho hoàn cảnh chồng mất sớm, một mình thân bà nuôi đứa con gái mắc bệnh tâm thần lúc tỉnh, lúc mê. Con lại càng thấy khâm phục bà, vì bà từng nói với con rằng dù bà có nghèo khổ cũng cố gắng làm, không xin ai đồng nào cả. Con thấy nhiều người ra ngoài ăn xin nhưng còn khỏe mạnh hơn bà. Còn bà thì không, bà đi bán bánh và đi lượm ve chai, bà chỉ có xin sinh viên chúng con những chai nhựa và thùng giấy vứt đi thôi. Đức tính đó của bà thật đáng quý.
Bà cho con biết được nhiều điều, nhiều bài học trong cuộc sống này. Chính sự nhân hậu, siêng năng, cần cù và trên hết đó là nghị lực của bà đã cho chúng con thấm thía biết bao điều. Bà bảo khi con gặp khó khăn hãy mỉm cười và tìm cách giải quyết, không được giảm ý chí và mất niềm tin. Khi bà nói, trong ánh mắt của bà chứa nỗi buồn, sự khổ cực nhưng nó lại chứa đầy nghi lực, tình thương và lòng quyết tâm. Con cảm nhận được điều đó và bây giờ con đang làm theo bà. Con sẽ mỉm cười thật tươi và vượt qua mọi khó khăn như bà. Còn gì đau đớn hơn khi mất đi người thân, khi người chồng bà yêu thương ra đi mãi mãi, bà nén đau thương để vượt qua, làm điểm tựa cho con cái. Bà cho con biết cuộc sống này quý giá đến chừng nào, con sẽ trân trọng cuộc sống con đang có bà ạ.
Dù nhiều lúc cuộc sống không may mắn như con muốn nhưng con sẽ cố gắng vượt qua và không bỏ cuộc cho tới khi nào con thành công. Và hôm nay con viết bài viết này để gửi tặng bà như lời cảm ơn tới những chiếc bánh của bà. Đó chính là món quà buổi sáng cho con suốt nhưng năm đại học và bài học quý giá bà cho chúng con về nghị lực trong cuộc sống. Bà ơi, cho con được gọi bà với cái tên con vẫn thường gọi “Người bà nghị lực”.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thanh Hòa