![]() |
Dũng "Khùng" không sợ mang tiếng ưu ái Thanh Hằng. |
- “Nụ hôn thần chết” - “Giải cứu thần chết” và bây giờ là “Những nụ hôn rực rỡ”. Anh đầu tư thế nào cho tên phim?
- Phim của tôi năm nay nói nhiều về tình yêu, lại là phim ca nhạc nên cần thấy tình yêu, sự tưng bừng của âm nhạc. Hơn nữa, tên phim ảnh hưởng rất nhiều đến sự quan tâm của khán giả.
Trong bộ phim này, cảnh rực rỡ nhất là màn hôn tập thể của các diễn viên. Trong phim tôi cũng sẽ được hôn. Tôi đóng vai phụ là anh chàng nhà báo, có thể hôn Phương Thanh hoặc Phước Sang.
- Tại sao anh không ưu ái cho mình quyền hôn hai cô trẻ đẹp là Minh Hằng - Thanh Hằng mà lại hôn Phương Thanh hoặc Phước Sang?
- Tôi cho rằng, nhiều khi, kinh nghiệm hay sự lạ đều có những giá trị riêng của nó.
- Nguyên nhân nào để anh toàn sắm vai lướt qua màn ảnh trong khi anh có quyền chọn vai chính cho mình?
- Đôi khi tôi cũng nghĩ tới điều đó nhưng tôi đóng vai chính thì ai xem? Phải tôn trọng khán giả chứ. Tôi vẫn cho rằng, diễn viên là nghề khó nhất.
- Anh nghĩ sao về sự mạo hiểm của mình khi lần đầu làm phim ca nhạc tại Việt Nam?
- Lần làm phim nào với tôi cũng là một sự mạo hiểm. Giải cứu thần chết, Nụ hôn thần chết cũng đâu phải một sự lựa chọn đảm bảo chắc thắng. Thật ra, lựa chọn một con đường tưởng an toàn nhiều khi còn nguy hiểm hơn đi một con đường mới gập ghềnh. Nếu mình cứ chọn an toàn, làm những gì mình đã làm, ăn những món mình đã ăn, đi đường mình đã đi, tức là mình lười tìm cái mới, không dám mạo hiểm, mình sẽ thất bại vì nhu cầu khán giả bao giờ cũng cần cái mới.
- Nhưng ba diễn viên: Thanh Hằng - Minh Hằng - Phương Thanh đều là “người quen” từ những phim trước đó. Anh giải thích thế nào về sự lựa chọn này?
- Đây đúng là ba người quen nhưng quan trọng là họ biết làm mới. Người mới mà đi theo lối mòn còn nguy hiểm hơn dùng người cũ. Ngoài Phương Thanh với diễn xuất ấn tượng từng thể hiện trong Nụ hôn thần chết, tôi mời Thanh Hằng - Minh Hằng vì hai cô này có sắc, diễn xuất ưng ý tôi, biết hát và vũ đạo tốt.
![]() |
Dũng "Khùng" làm phó nháy kiêm stylist cho Thanh Hằng tại resort Ngọc Sương (Nha Trang). |
- Trong bộ phim ca nhạc của anh, các diễn viên sẽ thể hiện khả năng ca hát thế nào?
- Phim này, hầu hết diễn viên đều hát. Phương châm của tôi là ai cũng phải hát trừ những đoạn không có hình người hát thì có thể dùng các ca sĩ và nhóm bè. Khán giả sẽ ngạc nhiên với màn thể hiện tài năng của Thanh Hằng và Phước Sang. Theo đánh giá của tôi, Thanh Hằng hát cũng được lắm, hơn một số ca sĩ đang kiếm được tiền từ việc hằng đêm đứng trên sân khấu. Phước Sang thì đang luyện giọng để chuẩn bị thu âm vào tuần tới. Riêng về giọng hát của anh chàng nhà báo Dũng “Khùng”, tôi đoán chắc là khá nhiều người sẽ ngạc nhiên. Giọng của tôi giống Quang Dũng nhưng Quang Dũng hát hay hơn lại đẹp trai hơn, nên tôi không làm ca sĩ chuyển sang nghề đạo diễn cho khỏi đụng hàng.
Tôi cho rằng diễn viên hát có cái hay của nó, giống như phim Mamma Mia, giọng họ không hay nhưng chất giọng ấy được thể hiện qua diễn xuất thì lại hay. Đây là một bộ phim ca nhạc chứ không phải clip ca nhạc nên câu chuyện và diễn xuất mới là quan trọng nhất.
- Vậy anh ảnh hưởng gì từ “Mamma Mia”?
- Thật ra trong các phim ca nhạc, Mamma Mia không phải là phim tôi thích nhất. Tôi thích Chicago hơn nhưng phim đó dạng nhạc kịch Broadway nên khó xem với đa phần khán giả. Mamma Mia bình dân, đơn giản, nhẹ nhàng nên dễ xem, dễ nghe, dễ khơi gợi cảm xúc. Tôi thích làm một phim như vậy.
- Làm phim ca nhạc, anh gặp phải những khó khăn gì?
- Làm phim bình thường khó một, làm phim ca nhạc khó mười. Khó nhất là nhạc phải làm đi làm lại. Mình đưa kịch bản cho nhạc sĩ. Họ đọc xong, viết đưa mình so lại với kịch bản, với tưởng tượng của mình, rồi cả hai bên sửa nhạc, sửa kịch bản sao cho hai cái vừa nhau. Tiếp đó là đưa cho biên đạo múa để họ khai thác. Nhiều khi nảy sinh bất đồng 3 bên. Nhạc sĩ rất ngại làm lời bài hát theo kiểu bình dân, nhưng phim ca nhạc lời hát chính là đối thoại của nhân vật diễn tả về cuộc đời mình nên nhiều khi phải sến, phải là văn nói, thậm chí phải cãi nhau mới ra được ý đó. Tôi đã sửa lời của Huy Tuấn vì câu chuyện phim và nhân vật, mình hiểu hơn nhạc sĩ.
- Bộ phim của anh được thực hiện ra sao?
- Phim sẽ tiến hành quay vào ngày 23/9 tới và chỉ quay trong vòng 1 tháng. Trước đó, chúng tôi đã tập 2 tháng rồi. Phương châm của tôi là chuẩn bị kỹ, quay sẽ nhanh vì chuẩn bị không tốn tiền bằng lúc quay. Khác với phim Tết hai mùa trước, Những nụ hôn rực rỡ không sử dụng kỹ xảo mà sử dụng những cảnh quay đẹp từ thiên nhiên.
![]() |
Đaọ diễn Dũng "Khùng" làm dáng xì tin bên nhà quay phim Nguyễn Tranh. |
- Bộ phim Tết mùa trước của anh thắng về doanh số nhưng thua về giải thưởng, lần này anh hy vọng kết quả sẽ thế nào?
- Tôi đâu có để ý đến giải thưởng. Sao bạn không nghĩ là giải thưởng thua mà nghĩ là phim thua. Tôi thấy người ta hay hỏi tôi những câu hỏi kiểu như “Tại sao diễn viên chuyên nghiệp có học hành ít được chọn đóng phim, trong khi các đạo diễn cứ chọn người mẫu, ca sĩ?”, mà không hỏi: “Trường dạy như thế nào để các sinh viên ra trường không có cơ hội bằng những tay ngang?”. Nhìn chung, mọi người bây giờ hay nghĩ một chiều và thường đẩy trách nhiệm cho người khác.
- Đàn ông nhiều lý luận như anh sẽ khiến phụ nữ sợ. Anh nghĩ sao?
- Xã hội bây giờ bình đẳng mà. Phụ nữ cũng nhiều người bạo gan lắm, hơn nữa đừng thấy tôi nói nhiều mà bảo tôi khó tính. Ngược lại, tôi dễ tính nhất trong số đàn ông. Tôi không yêu cầu vợ nấu ăn ngon, chỉ cần biết quán ăn ngon là được. Tôi ghét triết lý phụ nữ là phải biết nấu ăn cũng như phải biết đẻ con. Tôi thấy nhiều cặp vợ chồng không có con, đau khổ dằn vặt nhau và ly dị. Tôi nghĩ không có con thì xin con nuôi. Tình cảm phát sinh từ ở với nhau mà ra, vợ chồng có sinh ra nhau đâu mà vẫn thương nhau vậy? Chẳng nhẽ không nấu ăn được, không đẻ được thì không phải là phụ nữ hay sao?
- Đến tuổi này vẫn chưa lập gia đình, cha mẹ giục giã anh thế nào?
- Tôi lấy vợ cho tôi mà. Cha mẹ cũng mong mỏi chứ ai nỡ ép con mình. Ba tôi ngày xưa bốn mươi tuổi mới cưới. Mọi người cứ hay đặt ra những nguyên tắc để làm phiền mình. Lấy vợ theo tôi là nhu cầu, cần lấy thì phải lấy thôi.
Hơn nữa, việc lấy vợ còn phụ thuộc vào đối tác nữa, đâu phải tự nhiên mà được, phải dân chủ và công bằng chứ. Tôi siêu sợ đám cưới, sợ mặc quần áo chú rể chỉnh tề và ôm hoa. Tuy nhiên, nếu có cô nào bắt làm chồng thì phải chịu thôi. Làm để vui người mình thương, mà người mình thương vui thì chắc mình cũng vui. Ước mơ của tôi là nếu đám cưới sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ 10 - 20 người gồm bố mẹ hai bên và nhóm bạn thân. Nhóm bạn sẽ thay cô dâu, chủ rể đi đưa thiệp cưới hoặc chính tay chú rể sẽ email thông báo cho mọi người về “hung tin” này, chứ nếu bắt tôi đi đưa mấy trăm cái thiếp thì tôi sợ lắm.
- Lấy vợ không cần tổ chức ầm ĩ, không cần đẻ con, không cần nấu ăn ngon. Anh nghĩ sao về sự ngược đời của mình?
- Tôi cho rằng con người không phải có đầy đủ những thứ đó mới có giá trị. Điều quan trọng nhất là mình được sống vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc. Tôi sẵn sàng làm mọi việc, trừ những thứ cản trở hạnh phúc của mình. Người ta nói giàu thì vui, nhưng để làm giàu mà mình khổ sở, trong khi hiện tại mình đã vui rồi thì cớ gì mình phải đổi vui lấy cái sự giàu hay sự nổi tiếng?
Tôi thấy tôi đang thoải mái, có gia đình, có bạn bè, được làm những gì mình thích. Tôi thích được đi du lịch đây đó, thích tụ tập bạn bè, thích nghe nhạc và làm nhạc, thích nghiên cứu kỹ thuật như edit, dựng phim, tìm hiểu các kỹ xảo để biết vì sao người ta làm được còn mình không làm được, thích đi chơi và quan sát mọi người. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn là sở thích được đặt lên hàng đầu.
Ngọc Trần thực hiện
Ảnh: Nhân vật cung cấp