Từ 1/4, các doanh nghiệp bán gói bảo hiểm Covid-19 phải dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp "không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19, không sử dụng thông tin, hình ảnh về dịch bệnh này để chào bán bảo hiểm".
Không nói rõ lý do dừng gói bảo hiểm này nhưng Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) Nguyễn Quang Huyền cho VnExpress biết, các gói bảo hiểm liên quan tới Covid-19 được duyệt trước 31/3 vẫn được bảo đảm quyền lợi theo hợp đồng đã ký. Đồng thời, các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ không chứa cụm từ "Covid-19" hoặc "corona" vẫn được phép triển khai.
Trước đó, thị trường xuất hiện một số gói bảo hiểm phi nhân thọ đặc thù liên quan đến Covid-19 của các công ty như FWD Việt Nam, Bảo hiểm dầu khí (PVI), Bảo hiểm bưu điện PTI và Bảo hiểm Viễn Đông (Vass), Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Bảo hiểm quân đội (MIC)... Các gói này có thời hạn dài nhất 1 năm.
Các doanh nghiệp đều khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho hợp đồng bảo hiểm Covid-19 đã ký trước đó. Công ty PVI cho biết, khách hàng đã mua bảo hiểm Corona ++ trước 1/4 sẽ được chi trả các quyền lợi độc lập và không trùng với chi phí mà Nhà nước trả trong quá trình điều trị. Khách nằm viện do dương tính với nCoV hay đau ốm, bệnh tật khác sẽ được nhận trợ cấp bằng tiền (như một dạng bù đắp mất thu nhập). Tử vong cũng được chi trả toàn bộ số tiền như hợp đồng đã cam kết. Trường hợp sửa hay chấm dứt hợp đồng chỉ diễn ra khi có sự đồng thuận từ cả khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Lãnh đạo của một doanh nghiệp khác cho hay, công ty bảo hiểm có thể không chi trả cho người mua trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, việc định nghĩa sự kiện bất khả kháng cần tới phán xét của Toà án và doanh nghiệp không có quyền đơn phương từ chối thanh toán theo hợp đồng.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, chưa có doanh nghiệp bảo hiểm nào áp dụng sự kiện bất khả kháng liên quan dịch bệnh để từ chối chi trả cho khách hàng.
Ngoài ra, không loại trừ khả năng doanh nghiệp bảo hiểm bổ sung yếu tố loại trừ - không chi trả liên quan đến một số dịch bệnh nhất định vào các hợp đồng mới. Tuy nhiên, việc bổ sung điều kiện loại trừ hoàn toàn không ảnh hưởng đến hợp đồng đã ký trước đó.
Theo ông Dũng, vài chục năm gần đây, nền y tế dự phòng và khám chữa bệnh ngày càng phát triển, không có những dịch bệnh chết hàng trăm nghìn, hàng triệu người nên dịch bệnh không phải là vấn đề lớn với các công ty bảo hiểm. Các công ty dần dần cho rằng có thể kiểm soát được và từ cuối thế kỷ 20 đã có xu hướng bỏ hoặc hạn chế rủi ro dịch bệnh trong các nội dung loại trừ bảo hiểm.
Tuy nhiên, nếu Covid-19 khiến hàng trăm nghìn, hàng triệu người chết thì trong tương lai, các nhà bảo hiểm sẽ phải tính toán lại và loại trừ dịch bệnh này khỏi cam kết chi trả. Cũng như trước khi Mỹ bị khủng bố ngày 11/9/2001, không có mẫu đơn bảo hiểm nào loại trừ rủi ro khủng bố. Nhưng sau này các mẫu đơn bảo hiểm đều loại trừ việc chi trả cho khủng bố. Việc bổ sung điều kiện loại trừ sẽ không ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký trước đó.
Ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính, nhà sáng lập Trường Kinh doanh BizUni nhận định, với gói Covid-19 rủi ro tử vong, các công ty bảo hiểm chưa có đủ cơ sở số liệu thống kê để định phí sản phẩm một cách hợp lý, công bằng. "Công ty bảo hiểm có thể rất lời hoặc rất lỗ từ sản phẩm này", ông nói.
Còn về gói bảo hiểm Covid-19 rủi ro về lây nhiễm, các công ty hầu như chỉ có thể đự đoán dựa trên những dữ liệu rất "mỏng" từ các nước và kế hoạch chống dịch của chính phủ Việt Nam.
Bình luận về điều này, Phó tổng giám đốc Công ty bảo hiểm PVI, ông Vũ Văn Thắng nói thêm, về mặt nguyên lý, các doanh nghiệp cần thống kê tổn thất và rủi ro trước khi tung sản phẩm. Tuy nhiên, Covid-19 là sự kiện chưa từng có tiền lệ nên doanh nghiệp không đủ số liệu, chỉ dựa trên kinh nghiệm của riêng mình để tính toán và đưa sản phẩm ra thị trường nhằm hỗ trợ và bảo vệ cho khách hàng. Các doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm trong quá trình triển khai nếu cần thiết. Việc điều chỉnh chỉ áp dụng với các hợp đồng mới và không ảnh hưởng tới hợp đồng cũ (trừ khi có thỏa thuận).
Theo nhận định của ông, các công ty phải tính toán khả năng chi trả dựa trên phí và mức trách nhiệm - với các gói Covid-19 không phải là cao, nên không có gì lo ngại về việc doanh nghiệp mất khả năng chi trả, trừ khi đó là thảm hoạ hy hữu.
Thế nhưng, chuyên gia Lâm Minh Chánh cảnh báo, sản phẩm rủi ro về lây nhiễm Covid-19 cùng với năng lực chữa trị rất hiệu quả của chính phủ đến nay, có thể dẫn đến tâm lý chủ quan hay thậm chí trục lợi của một bộ phận người dân. Điều này làm cho dịch bệnh có thể trở nên khó kiểm soát.
Tới nay, phía doanh nghiệp và hiệp hội bảo hiểm cho biết vẫn chưa được giải thích lý do dừng gói phi nhân thọ Covid-19. Ngày 24/3, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm nhắc nhở một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tung ra các sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ liên quan Covid-19 "mà không có sự phê chuẩn của Bộ Tài chính".
Tuy nhiên, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm cho biết đa số sản phẩm bảo hiểm Covid-19 đã triển khai đều đăng ký và được Bộ Tài chính phê chuẩn. Vì vậy, theo ông, đây không phải là lý do Thủ tướng yêu cầu dừng triển khai toàn bộ gói sản phẩm Covid-19.
Quỳnh Trang - Hoàng Thắng