"Đọc tin tức thấy mọi người huy động xuồng, thuyền để vận chuyển hàng hóa và nhu yếu phẩm đến những nơi khó tiếp cận, tôi thấy công ty mình có máy bay có thể 'nhấc nọ nhấc kia', có lẽ sẽ hỗ trợ được", anh Việt, chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ máy bay không người lái tại Hà Nội, kể.
Khi chia sẻ ý tưởng tối 9/9, anh nhận được sự đồng lòng của đồng nghiệp tại công ty Vietflycam. Sáng 10/9, đoàn xe với các valy chứa máy bay cùng những người lái thành thục nhất có mặt tại thành phố Thái Nguyên, một trong những nơi bị ngập sâu nhất của tỉnh.
Trời Thái Nguyên những ngày này vẫn có mưa lớn. Dàn máy bay không người lái (drone) giá hàng trăm triệu đồng, vốn được bảo quản kỹ lưỡng để phục vụ việc quay chụp, được tháo bớt camera, lắp thêm bộ phận có khả năng gắp, nhả, để vận chuyển đồ. Sau tiếng è è của cánh quạt lúc khởi động, chiếc drone gắn sẵn vài bộ áo phao đội mưa bay lên trong sự tò mò xen lẫn vui mừng của những người chứng kiến.
Ở điều kiện thời tiết khi đó, với khoảng cách một km, anh Việt ước tính thuyền có thể phải mất một tiếng di chuyển, nhưng drone chỉ mất 1-2 phút. Nhóm của anh dự định sẽ sử dụng phương thức này để thay thế cho cách làm truyền thống. Tuy nhiên, sau khi triển khai thử và thành công những chuyến hàng đầu tiên, anh nhận thấy những nơi có thể tiếp cận được bằng thuyền là những nơi "chưa phải khó nhất".
"Chúng tôi quyết định sẽ đi tới những nơi xa nhất, sâu nhất, thuyền khó tới được. Đó mới là nơi cần đến flycam nhất", anh nói. Nhóm cũng xây dựng quy trình tối ưu theo các bước, như khảo sát, lên danh sách trước khi vận chuyển hàng.
Đầu tiên, drone gắn camera sẽ bay tỏa đi khắp khu vực, đến những nơi xa xôi để tìm người dân gặp khó khăn, hoặc nơi có dấu hiệu của người thông qua camera tầm nhiệt. Cùng với chính quyền địa phương, họ lên danh sách những hộ cần hỗ trợ và loại nhu yếu phẩm cần thiết, như đồ ăn, nước uống, sạc dự phòng. Từ danh sách đó, những chiếc drone chỉ cần bay theo lịch trình đã định sẵn. Nhóm quyết định sử dụng loại có khả năng chở 7 kg, vừa đủ cho nhu cầu của một hộ gia đình mà không quá cồng kềnh, dễ di chuyển.
Theo anh, dù đã lên kịch bản, quá trình cứu trợ vẫn có nhiều vấn đề phát sinh. Ví dụ, có gia đình chỉ có người lớn tuổi, thấy lạ lẫm với một thiết bị bay nên khó tiếp cận. Nhóm cũng phải tính toán có nên chở nhiều đồ cho nhiều hộ cùng lúc hay không, bởi sẽ khiến thiết bị bay chậm và tốn thời gian hơn. Ngoài ra, nếu bay thấp quá, thiết bị và người nhận cũng có thể gặp nguy hiểm.
Quy trình sau đó dần được tối ưu. Mỗi lần bay, drone sẽ chở đến cho từng hộ, chọn nơi khô ráo, thả đồ rồi quay lại. Với cách làm đó, nhóm hỗ trợ nhanh được những hộ gia đình cách xa khu vực 5-7 km.
Kết hợp cùng đội ngũ gói và lắp hàng lên máy bay, nhóm vận chuyển 25-30 gói mỗi giờ. Trong ngày 10/9, khoảng 300 chuyến nhu yếu phẩm được chuyển đến người dân Thái Nguyên ở vùng bị cô lập vì nước lũ.
Vốn làm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ flycam để trắc địa, quay phim, chụp hình, scan 3D, anh Việt cho biết không còn xa lạ với những nơi hẻo lánh, địa hình phức tạp, nhưng việc cứu hộ ở vùng lũ vẫn là thách thức không nhỏ, vì mưa và gió lớn có thể gây hỏng máy. Sau vài chuyến, họ dành ít phút lau khô máy bay, thay pin từ máy phát điện đã mang sẵn trên ôtô, đưa những chuyến hàng mới tới người dân.
"Đến tối, cả đội mệt nhoài, nhưng khi nghĩ đến có những hộ gia đình đêm đến mà có thể chưa có đồ ăn, chúng tôi lại tiếp tục", anh kể.
Kể từ khi đăng thông tin lên mạng xã hội, điện thoại của anh liên tục trong tình trạng đổ chuông, khi nhiều người dân từ nơi khác biết tin và đề nghị được giúp đỡ. Trưa 11/9, sau hơn một ngày tại Thái Nguyên, nhóm tiếp tục di chuyển lên Tuyên Quang, nơi có nhiều khu vực khó tiếp cận với hy vọng những chiếc drone có thể hỗ trợ cho họ.
Dù đã di chuyển thành công hàng trăm chuyến hàng nhu yếu phầm, anh Việt đánh giá nỗ lực này vẫn như "muối bỏ bể". Trên trang cá nhân, anh chia sẻ kinh nghiệm cứu trợ bằng drone với hy vọng sẽ có thêm những nhóm flycam cùng tham gia.
Lưu Quý