Tối 12/9, Đừng đốt - từng ra mắt năm 2009 - phát lại trên truyền hình, được nhiều khán giả đón nhận. Lần đầu xem, nhà thơ Anh Ngọc cho rằng tác phẩm chinh phục khán giả chưa từng tiếp cận Nhật ký Đặng Thùy Trâm - cuốn sách đạo diễn Đặng Nhật Minh dựa vào để làm phim. Năm 2005, khi sách xuất bản ở Việt Nam, nhà thơ có nhiều buổi nói chuyện với các đơn vị bộ đội, dân sự về tác phẩm. "Phim chiếu kịp thời, trong bối cảnh các bác sĩ tuyến đầu đang đối mặt cuộc chiến cam go không kém gì mưa bom lửa đạn, đã có những người vĩnh viễn ra đi", Anh Ngọc nói.
Cũng lần đầu xem Đừng đốt, bác sĩ Trần Ngọc Trung - 28 tuổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Thành - khóc khi chứng kiến cảnh cuối phim, Đặng Thùy Trâm ngã xuống giữa rừng cây, nghĩ về gia đình trước khi mất. Anh đọc nhật ký của nữ bác sĩ từ khi học cấp hai, lấy đó làm động lực thi vào ngành y. "Thế hệ trẻ chúng tôi thường mặc định phim đề tài chiến tranh khô khan. Tôi xem Đừng đốt vì tình yêu với cuốn sách, bác sĩ Trâm, nhưng sau đó bị thuyết phục bởi cách kể chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn của đạo diễn", Ngọc Trung nói.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh hạnh phúc vì bạn bè liên tục gọi điện, nhắn tin, chia sẻ về tác phẩm. "Nhiều người xem lại lần thứ hai nhưng vẫn vẹn nguyên cảm xúc như lần đầu, thấy phim hay hơn bởi có nhiểu tình tiết mà xem một lần chưa nhận ra. Tôi chỉ tiếc bản phim chiếu trên truyền hình chất lượng hình ảnh còn thấp", ông nói.
Nhà thơ Anh Ngọc cho rằng phim có giá trị lâu bền vì tôn vinh cái đẹp, cụ thể ở đây là y đức người bác sĩ. "Đừng đốt, trong này đã có lửa" - đó là điều thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu nói khi ngăn cản viên sĩ quan Mỹ đốt hai tập giấy viết tay của Đặng Thùy Trâm, sau trận càn ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) cuối năm 1969. 39 năm sau, đạo diễn Đặng Nhật Minh chọn câu nói làm tên cho tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ cuốn nhật ký của nữ liệt sĩ, sau rút lại thành Đừng đốt.
Câu nói đó lắng đọng ở cuối tác phẩm, khi mẹ nữ liệt sĩ nhớ về lời người sĩ quan Mỹ nói lúc trao lại cho bà cuốn nhật ký của con gái: "Đó là ngọn lửa của tình yêu, sự dâng hiến".
Đặng Thùy Trâm hiện lên trong phim là cô gái trẻ yêu đời, yêu cuộc sống. Ở nhà, cô được bao bọc trong vòng tay cha, mẹ. Khi ra chiến trường, cô lại trở thành điểm tựa của các thương, bệnh binh. Cảnh Thùy Trâm băng bó, hát ru bệnh nhân hay bất lực khi nhìn họ ra đi ngay trước mắt... cho thấy sự tận tụy của người bác sĩ.
Diễn xuất của Minh Hương là điểm sáng. Cô tái hiện sinh động hình ảnh nữ trí thức gan dạ, kiên cường nhưng vẫn ngây thơ, mộng mơ. Trong đơn vị, Thùy Trâm được khen về tinh thần, chuyên môn nhưng hay bị chê vì "cung cách tiểu tư sản". Giữa khói lửa chiến trường, trong những giây phút hiếm hoi được nghỉ ngơi, cô vẫn giữ sở thích nghe nhạc quốc tế trên radio, chơi đàn guitar, ngắt một bông hoa trên đường... Ở chiến trường, Thùy Trâm cũng gặp lại người yêu nhưng cả hai đều chôn giấu tình cảm vì lý tưởng riêng.
Tác phẩm được kể đan xen nhiều thời điểm, cuốn nhật ký là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đạo diễn đã chọn lọc những đoạn đắt giá, thể hiện chúng bằng chất giọng trầm, buồn, đầy ám ảnh. Đặng Thùy Trâm viết về cái chết một cách thản nhiên, nhẹ nhõm: "Hôm nay mình suýt chết một lần nữa", "Hôm nay, mình kỷ niệm sinh nhật trong tiếng súng, mình đã quen với cảnh vai mang balo, đem những người thương binh chạy trốn". Có lúc, Thùy Trâm tự động viên mình: "Cuộc sống vẫn cứ mơ ước dù đạn bom khói lửa quanh mình", "Đời phải trải qua giông tố nhưng đừng cúi đầu trước giông tố".
Một điểm cộng khác của phim là các cảnh, tái hiện mưa bom lửa đạn khốc liệt thời chiến. Từng nhiều năm đi lính, nhà thơ Anh Ngọc đánh giá các chi tiết này chân thực, tựa như được trích ra từ một thước phim tài liệu. Diễn viên Minh Hương cũng cho biết cô sợ hãi khi đóng phim, bởi những quả nổ chỉ cách vài bước chân.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói điều Đặng Thùy Trâm chinh phục người lính Mỹ Frederic, khiến ông lưu giữ cuốn nhật ký suốt 35 năm, chính là tình thương yêu con người, đồng đội, những nhớ nhung da diết dành cho người thân. Khi gặp Frederic ở Bắc Carolina năm 2008, ông hỏi người cựu binh: "Anh đã đọc cuốn nhật ký nhiều lần. Vậy điều gì ấn tượng nhất đối với anh?". Frederic lập tức đọc hai câu thơ bằng tiếng Việt: "Và ai có biết chăng ai/ Tình thương đã chắp cánh dài cho ta". Câu thơ xuất hiện trong cảnh kết, gieo vào lòng người xem hy vọng về những điều tốt đẹp giữa người với người.
Trong hồi ký, đạo diễn cho biết năm 2005, ông dẫn người dì cũng là bác sĩ tìm thăm gia đình Đặng Thùy Trâm. Em gái liệt sĩ - cô Kim Trâm - lúc ấy nói bâng quơ: "Anh Minh mà làm phim theo cuốn nhật ký này của chị em thì tốt quá". Gợi ý của Kim Trâm gieo vào đạo diễn một mối quan tâm. Ông nảy ra ý tưởng làm một bộ phim mà bên địch bên ta đều là những người tốt cả, nhưng lại đứng ở hai bên trận tuyến để bắn giết nhau. Theo ông, "điều đó hoàn toàn khác với những phim về đề tài chiến tranh Việt Nam được làm từ trước tới nay kể cả ở Mỹ lẫn ở Việt Nam". Dù không được quảng bá rầm rộ, bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao khi ra đời năm 2009, cùng lúc nhận hai giải thưởng lớn là Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng. Phim từng đoạt giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Fukuoka tại Nhật Bản, đồng thời đại diện Việt Nam đăng ký dự Oscar lần thứ 82.
Hà Thu