Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Khi thấy nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, gầy yếu, đau khớp, mệt mỏi hay có khi chẳng bị bệnh gì, nhiều người cũng đi cắt vài thang thuốc để "củng cố sức khỏe" vì nghĩ uống Đông dược là vô hại. Chính vì quan niệm này, mà có không ít người đã bị thêm bệnh, chết oan.
Khoa Dị ứng, Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai là nơi cấp cứu cho rất nhiều trường hợp dị ứng thuốc Đông y, trung bình mỗi tháng có hàng chục trường hợp. Trong số đó có ông Điệp, 47 tuổi. Một lần, ông bị phát ban như lên sởi, người nhà đã cắt 3 thang thuốc để ông uống giải độc. Sau 3 ngày, tình trạng bệnh còn nặng hơn, da toàn thân đỏ rực và đầy mẩn ngứa, mặt phù nề biến dạng, sốt 39 độ. Sau 12 ngày điều trị, bệnh mới đỡ.
Còn bà Trang, 51 tuổi, đến nhà thầy lang cắt 9 thang thuốc Bắc để chữa đau dây thần kinh tọa. Uống xong 9 thang trong 18 ngày, bệnh nhân thấy bứt rứt, khó chịu, ban đỏ đầy người, ngứa như móc thịt, rồi nổi mụn nước và bọng nước toàn thân.
Thương tâm nhất là trường hợp anh Thành, 42 tuổi. Sau khi uống thuốc tễ chữa bệnh mất ngủ, anh thấy rất mệt mỏi, sốt cao, rồi da tuột từng mảng như bị dội nước sôi, vàng mắt, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, suy gan, suy thận. Mặc dù đã được cấp cứu tích cực, bệnh nhân vẫn tử vong sau 30 ngày nằm viện.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Phó trưởng khoa, thuốc Đông y hay Tây y thì đều có tác dụng điều hòa các rối loạn chức năng và trị bệnh. Thuốc Tây y là dạng tổng hợp từ các hoạt chất theo công nghệ hiện đại, hiệu quả tập trung, tác dụng nhanh. Còn mỗi vị thuốc Đông y có rất nhiều dược chất khác nhau. Một bài thuốc có hàng chục vị nên con số hóa dược trong đó khó đếm xuể. Nếu thầy thuốc hiểu biết rộng, có kinh nghiệm, biết kết hợp và điều chỉnh các vị thuốc hợp lý, tài tình thì nó sẽ có tác dụng tốt. Còn ngược lại, thuốc có thể gây dị ứng, nhiễm độc...
Nhiều bệnh nhân bị dị ứng, nhiễm độc không phải do các hoạt chất trong thuốc Đông y mà do hóa chất bảo quản các như lưu huỳnh, diêm sinh...
Dị ứng thuốc Đông y thường chậm, khi phát hiện được thì bệnh đã vào giai đoạn muộn. Nhiều trường hợp uống thuốc không rõ thành phần, hay có trộn lẫn thuốc Tây y nên việc cấp cứu và điều trị càng khó khăn bởi bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân. Những trường hợp cấp cứu thành công vẫn có thể bị di chứng về mắt như mù lòa.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch Hội Đông y, sử dụng Đông dược phải với tinh thần "dùng thuốc như dùng binh", nghĩa là chỉ khi nào có bệnh mới dùng, bệnh gì điều trị bằng thuốc nấy chứ không cắt thuốc bổ bừa bãi. Đã uống là phải khám và tư vấn, bắt mạch cẩn thận, không nhờ người nhà cắt thuốc hộ. Ngay cả những vị như nhân sâm, mật gấu, cao hổ cốt vẫn cần hướng dẫn của thầy thuốc để tránh ngộ độc hoặc tác dụng phụ.
Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nếu thấy người có ban đỏ, mẩn ngứa hay những dấu hiệu khác thường thì phải đến các cơ sở y tế ngay để khám và điều trị kịp thời.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)