Người gửi: Raito
Cháu là học sinh chuẩn bị bước vào lớp 11, tức là cũng bằng tuổi Vàng Anh trong phim. Sau khi xem, cháu thấy Nhật ký Vàng Anh lần này đã nói lên được phần nào những gì đang diễn ra ở thế hệ của chúng cháu. Tuy cháu thấy phần tình huống còn gượng ép, giống như là làm cho có vậy, nhưng cháu xin khẳng định rằng Nhật ký Vàng Anh phần 2 hay hơn phần 1 nhiều.
Trước hết, cháu nhận xét rằng có những chi tiết theo các cô chú là "trời ơi", nhưng với chúng cháu thì không có gì lạ, thậm chí nhiều lúc chúng cháu cư xử còn ngốc nghếch hơn rất nhiều. Đọc một số ý kiến ở đây, cháu nhận thấy đa phần các cô chú đều cho rằng Nhật ký Vàng Anh làm cho chúng cháu "già trước tuổi", hay "vẽ đường cho hươu chạy". Nhưng chẳng lẽ các cô chú không biết sự thật rằng chuyện như thế không hiếm hay sao?
Những rung động khi đứng trước bạn khác giới là bình thường, chúng cháu ai cũng ít nhất một lần mắc phải. Từ rung động, đến một lúc nào đấy lấy can đảm "tỏ tình" và hình thành những cặp đôi là chuyện tất yếu. Cháu cũng xin phép nói rằng, các cô chú không thể biết hết được những chuyện như thế nếu không ở lứa tuổi bọn cháu.
Cha mẹ đưa ra 1.000 cách ngăn cấm, dò xét thì bọn cháu cũng có thể kiếm được 1.001 cách che giấu. Một teen ở nhà có thể trầm tính, ít nói ngoan ngoãn trước mặt bố mẹ, nhưng khi ở trường liệu các cô chú có chắc teen đó vẫn sẽ như thế không?
Việc xưng hô "ông, bà" đã có từ vài năm nay chứ không phải là vừa mới có, và xin lỗi các cô chú, cháu cũng nói thật, bây giờ xưng hô "cậu, tớ, ấy" không còn phổ biến nữa. Thậm chí nhiều bạn còn xưng hô "mày, tao", "bố, con", "anh, em", "vợ, chồng" nữa. Cháu thấy so với những từ ngữ xưng hô kể trên thì "ông, bà" không có gì là xấu.
Nếu làm một bộ phim cho teen mà không khắc hoạ tình cách, cử chỉ của teen mà cứ làm theo khuôn phép của người lớn, mãi mãi đó chỉ là một tác phẩm khô khan không có thật cô chú ạ. Nói cách khác, "không vẽ đường thì hươu vẫn chạy". Cô chú đừng đổ lỗi cho Nhật ký Vàng Anh. Cháu chỉ mong Nhật ký Vàng Anh sẽ không đưa những "mảng tối" của teen lên phim như ăn cắp tiền của bố mẹ, đi vũ trường...
Một tập phim khoảng 15-20 phút nên chỉ có thể gói gọn những tình huống trong cuộc sống tuổi teen, chứ theo cháu không cần thiết phải đưa quá nhiều chi tiết học tập vào phim, dẫn đến trở thành cuốn sách "giáo dục công dân" trên truyền hình.
Chúng cháu xem phim để giải toả áp lực, trong đó có cả áp lực việc học. Nếu bây giờ thêm chi tiết chuyện học hành vào phim, vô hình chung chúng cháu càng thấy căng thẳng thêm nữa. Trong Nhật ký Vàng Anh, nhân vật Vàng Anh cũng được miêu tả là học lực giỏi, điểm trung bình trên 9,0 chứ đâu là phải học ít chơi nhiều hả các cô chú?
Ở nông thôn hay thành thị, tuổi teen đều có phong cách sống riêng dẫn đến tâm lý cũng khác nhau. Ở nông thôn, cuộc sống vất vả nên các bạn không thể vô lo vô nghĩ như teen thành phố có điều kiện khá giả, bố mẹ chu cấp đầy đủ được. Đó là sự khác nhau, không thể làm thành mặt bằng chung rồi coi như đó là đại diện thế hệ chúng cháu.
Cháu nghĩ, Nhật ký Vàng Anh lấy bối cảnh Hà Nội - thủ đô cả nước - nên nếu đưa vào phim những khó khăn ở nông thôn, phim sẽ không thật. Một bộ phim chỉ có thể tái hiện mức độ nào đấy, không thể làm hài lòng khán giả khắp nơi.
Trên đây là những ý kiến chủ quan của cháu dựa theo những điều cháu đã và đang trải qua. Cháu mong rằng qua bài này, cô chú có thể hiểu được phần nào cho êkíp làm Nhật ký Vàng Anh, cũng như tâm lý của tuổi teen thế hệ 9x chúng cháu.