Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cuối tháng 6 cho biết đang ghi nhận số vụ giả mạo danh tính ngày càng gia tăng. Theo đó, những kẻ lừa đảo dùng deepfake và thông tin cá nhân bị đánh cắp để lừa nhà tuyển dụng, giúp chúng truy cập được vào hệ thống doanh nghiệp qua các việc làm từ xa.
"Có nhiều đơn tố giác việc dùng ứng dụng giả giọng nói và deepfake trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến", thông báo của FBI có đoạn, nhưng không tiết lộ mục tiêu của những kẻ lừa đảo. "Một số vị trí xin việc có quyền tiếp cận dữ liệu định danh cá nhân, thông tin tài chính của khách hàng, cũng như tài liệu độc quyền và cơ sở dữ liệu công nghệ thông tin của nhiều doanh nghiệp".
Những thông tin này có thể giúp kẻ lừa đảo đánh cắp dữ liệu giá trị từ các công ty và thực hiện những âm mưu giả mạo khác.
Deepfake là sự kết hợp giữa deep learning (học sâu) và fake (giả). Công nghệ này sử dụng AI để phân tích cử chỉ, nét mặt và giọng nói của một người, từ đó tái tạo và chỉnh sửa để cho ra đời hình ảnh hoặc video như thật. Dù mới xuất hiện vài năm, deepfake đã được cải tiến và khiến người xem khó nhận biết video nào là giả, trong khi người dùng cũng có thể tạo hình ảnh deepfake chỉ với một ứng dụng trên smartphone.
Tuy nhiên, FBI cho rằng vẫn có những cách để doanh nghiệp phát hiện deepfake khi phỏng vấn trực tuyến ứng viên. "Hành động và cử động môi của người được phỏng vấn có thể không trùng khớp với tiếng nói của họ. Những động tác như ho cũng không ăn nhập với chuyển động trên hình", thông báo có đoạn.
Sao chép hình ảnh và giọng nói là công nghệ vốn chỉ xuất hiện trong phim, nhưng giờ đã thành hiện thực và chứng kiến cuộc đua giữa nhiều bên. Hàng loạt startup công nghệ đang phát triển những hệ thống AI tổng hợp giọng nói phức tạp, trong khi một số công ty cũng tuyên bố có khả năng phát hiện giọng nói giả và ngăn chặn lừa đảo.
Trước đó, một nhóm lừa đảo dùng công nghệ "deep voice" để giả là lãnh đạo doanh nghiệp, lừa một ngân hàng ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) chuyển 35 triệu USD vào tài khoản riêng hồi năm 2020. Năm 2019, một nhóm tội phạm cũng giả giọng CEO một công ty năng lượng ở Anh để đánh cắp 243.000 USD.
Điệp Anh (theo Mashable)