Mùa thi đã đến rồi đấy các em lớp 12 cũng như sinh viên đại học, nếu muốn có một nụ cười mãn nguyện vào cuối mùa thi thì chỉ có một cách đó chính là học miệt mài. Hãy cười tươi sau khi biết kết quả chứ đừng gục mặt vào bàn mà khóc nức nở bạn nhé!
Hè đến, ve kêu phượng nở, đã là lúc tín hiệu của sự chia ly, của nỗi niềm thương nhớ không nguôi, nhưng cũng là một cánh cửa tương lai đang mở ra trước mắt bao cô cậu học trò lớp 12 cuối cấp.
Hè đến, là lúc các bạn sinh viên đại học cuống cuồng bắt tay, vắt chân vào ôn thi cuối kì, họ không còn hồi hộp như cái ngày thi tốt nghiệp, thi vào đại học đầy gian nan, nhưng thay vào đó là cảm giác lo sợ vì năm qua mình học được gì, tiếp thu được gì để chuẩn bị cho kì thi cuối năm đây?
Học không phải ngày một, ngày hai. Muốn có một kết quả thi tốt nghiệp và đại học tốt không đơn thuần là phụ thuộc vào nỗ lực những tháng cuối kì của lớp 12. Đúng là các đề thi chủ yếu tập trung vào chương trình học lớp 12, nhưng muốn học lớp 12 chắc thì các bạn phải nắm vững kiến thức lớp 10, 11 nữa.
Nhiều em học sinh phổ thông đang có xu hướng lên lớp 12 rồi hẵng hay, bây giờ ăn ngủ, online và game cái đã. Lo gì. Nhầm rồi các em ạ, lớp 12 còn biết bao việc, nào là các ngày nghỉ lễ, hồ sơ thi đại học, rồi học vội để chuẩn bị cho ôn thi tốt nghiệp, đại học...
Các em có tin chắc là mình sẽ học tốt chỉ trong năm lớp 12 không? Không đâu, học không đơn thuần là ngày một ngày hai là được, học là một quá trình dài tiếp thu những kiến thức từ dễ đến khó, làm bài tập từ chậm đến giải nhanh chóng... Tất cả đều cần có thời gian các em ạ! Đợi đến lớp 12 thì thật sự đã muộn mất rồi.
Còn các bạn sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học thênh thang và rộng lớn. Họ vui sướng lắm, tự hào lắm vì mình đã chễm chệ có một cái bằng sau khi ra trường.
Một điểm khác của hệ thống giáo dục đại học giữa Việt Nam và nước ngoài khác nhau thế đấy. Ở nước ngoài, bạn có thể đăng kí vào một ngôi trường nào đó để theo học (ngoại trừ những ngôi trường danh tiếng bậc nhất thì cần phải thi đầu vào), nhưng một khi đã vào học rồi thì phải nỗ lực hết mình, bằng không cứ ngồi ở đó mãi đi.
Còn ở Việt Nam, học sinh muốn thi đậu vào một trường đại học tốt và mình mơ ước là điều không hề dễ dàng chút nào, nhưng một khi đã vào được rồi, thì ít nhất bạn có thể tự tin rằng sẽ có một cái bằng tốt nghiệp không đỏ thì xanh (hầu hết các trường đại học ở Việt Nam là như vậy) .
Chính vì điều đó mà hầu như nhiều sinh viên Việt khi học cấp 3 trường Chuyên này nọ, nhưng khi vào đại học kiến thức trong đầu không những không thể phát huy mà còn bị tụt xuống nặng nề.
Tôi biết nhiều bạn bây giờ vẫn phân vân với quan điểm: “Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai”. Nhiều sinh viên vừa mới thi đỗ vào đại học, họ vui sướng, hãnh diện và tự cho mình quyền được “xả hơi” sau thời gian ôn thi lúc lớp 12 mệt mỏi. Họ mạnh miệng cho rằng: "Mình sẽ đuổi kịp được kiến thức khi học năm 2, năm 3, hay thậm chí năm 4".
Có một điều sai lầm mà đa số sinh viên mắc phải là quan niệm học đại học dễ hơn rất nhiều so với cấp 3. Nói đúng thì cũng có chút đúng, nói sai thì cũng thấy sai. Nhưng cái cơ bản là cách nhìn nhận và hành động của mỗi sinh viên về vấn đề này mà thôi. Hầu hết họ cho rằng học đại học thật dễ dàng nên đến năm 2, năm 3 rồi hẵng học sau, bây giờ nghỉ giải lao cái đã.
Với quan niệm “học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai”, dường như học sinh, đặc biệt là sinh viên đại học đang mơ màng, thậm chí là không biết giải thích và hành động sao cho đúng với câu nói này. Họ nghĩ có vẻ hai vế này rất mâu thuẫn đối lập nhau, chẳng biết nên học hay nên chơi đây?
Có nhiều người hiểu và nhận thức được vấn đề chơi và học nhưng lại không làm được. Sinh viên không có nghĩa là ăn rồi cặm cụi ngồi vào bàn đọc đọc, viết viết, sinh viên không có nghĩa là ăn rồi chỉ biết cắp sách tới trường, không tham gia bất cứ hoạt động đoàn thể nào toàn thời gian chỉ để dành cho việc học...
Tôi cho rằng không nên như thế, bởi sinh viên là quãng thời gian nói dài không dài, nói ngắn không hề ngắn, nên các bạn phải biết tận dụng lúc còn trẻ cũng phải biết chơi, không bỏ lỡ những cơ hội chỉ có ở tuổi trẻ, ví dụ như yêu chẳng hạn. Có người nghĩ, sinh viên không nên yêu, nếu bạn biết xây dựng một tình yêu trong sáng, lành mạnh thì điều đó hoàn toàn tốt mà thôi.
Phải biết khi nào chúng ta nên học hành cật lực, khi nào nên “xoã” cùng bạn bè cho tuổi trẻ thêm tràn trề năng lượng.
Tôi đã từng đọc rất nhiều bài báo về việc học sinh nhảy cầu tự tử vì không đỗ đại học, hay sinh viên phải dừng lại việc học vì điểm quá thấp... Có nỗi nhục nào ê chề hơn chưa?
Tôi không nói là việc trượt đại học là nhục mà là cái suy nghĩ nhảy cầu tự tử vì không đỗ mới là nhục, bị đình chỉ học mới là nhục thôi. Các bạn cứ nghĩ đi bố mẹ đã mất bao mồ hôi nước mắt để nuôi mình học đến chừng này lại đi tự tử, lại về quê nghỉ ngơi một năm trời... Có nỗi đau buồn nào hơn dành cho cha mẹ mình?
Hãy cố gắng thà để giọt mồ hôi rơi trên trang sách còn hơn là giọt nước mắt cuối mùa thi nhé các sĩ tử, các bạn sinh viên, học sinh.
>> Xem thêm: Đề thi tốt nghiệp Ngữ văn: Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam
Chia sẻ bài viết của bạn về học hành, thi cử tại đây.