Chất béo có hàm lượng năng lượng rất cao. Theo đó, trung bình một gram cung cấp 9kcalo, trong khi chất bột đường hay đạm chỉ cho 4kcalo. Do vậy, nếu cắt giảm hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày đồng nghĩa với việc giảm nguồn năng lượng cung cấp cho cơ thể.
Nó còn là dung môi hòa tan của vitamin A, D... Việc từ bỏ chất béo trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng thiếu hụt các vitamin trên. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ thiếu acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được như omega 3 (Acid alpha linolenic C18H30O2) và omega 6 (Acid lenoleic C18H30O2). Đây là những vi chất tác dụng trong bảo vệ tim mạch, thường thấy ở các loại cá béo, thịt, trứng, sữa, dầu thực vật.
Nhiều nhà khoa học khuyên chế độ ăn nên có cả chất béo động vật và thực vật. Tỷ lệ thay đổi tùy theo tuổi. Với người trưởng thành nên sử dụng khoảng 30-40% chất béo động vật và 60-70% chất béo thực vật.
Ngoài ra, các bà nội trợ nên có 2 loại dầu: dầu nhẹ (salad oil) dùng cho các món lạnh như rau trộn, salad Nga… và dầu nặng (cooking oil), thích hợp để chế biến món nóng như chiên, xào. Tuy nhiên, không nên sử dụng dầu chiên nhiều lần do mảnh thức ăn còn sót sẽ trở thành các mảnh khét, bám trên thực phẩm, làm gia tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, dầu ăn tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài sẽ bị oxy hóa thành chất độc hại cho cơ thể.
“Sử dụng loại sản phẩm tùy theo cách chế biến. Lượng dầu ăn tùy theo tuổi và không dùng sản phẩm hết hạn sử dụng, dầu đã chiên nhiều lần”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến nghị.
Các loại dầu thực vật có đầu vào khác nhau cũng sẽ khác nhau về giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, bên cạnh công nghệ hiện đại, nguồn nguyên liệu là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm.
Mai Thương