Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) hồi cuối tháng 8 năm ngoái, UBND TP HCM mong muốn tiếp nhận tòa nhà trụ sở hỏa xa số 136 Hàm Nghi (quận 1) để bảo tồn. Trong đó hai tầng tòa nhà làm ga trung tâm kết nối với không gian ngầm khu vực Bến Thành và là nơi trưng bày hiện vật lịch sử ngành đường sắt. Phần còn lại của trụ sở sẽ làm Trung tâm điều khiển tích hợp các tuyến đường sắt đô thị.
"Nếu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và VNR đồng ý, thành phố sẽ cho thi tuyển quốc tế chọn ý tưởng thiết kế khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành để chọn phương án bảo tồn tối ưu", một lãnh đạo UBND thành phố cho biết.
Tuy nhiên, trong văn bản mới đây phản hồi đề xuất này, VNR cho rằng toàn bộ tài sản trên đất số 136 Hàm Nghi đang là tài sản thuộc sở hữu của đơn vị này, được Bộ Tài chính phê duyệt.
Cụ thể, năm 2007 khi thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng về sắp xếp xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, VNR đã kê khai hiện trạng sử dụng tòa nhà. Từ đó Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất 136 Hàm Nghi theo hướng "thống nhất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP HCM".
Đến năm 2015, khi cổ phần hóa các đơn vị, VNR đề nghị Bộ Tài chính được tiếp tục sử dụng trụ sở 136 Hàm Nghi để triển khai dự án. Bộ Tài chính đã thống nhất lần hai với kiến nghị của VNR, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP HCM cho ý kiến để tổng hợp, xử lý theo quy định.
Trả lời công văn của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP HCM sau đó đã có văn bản thống nhất để VNR tiếp tục sử dụng trụ sở 136 Hàm Nghi.
Theo VNR, nếu giao lại tòa nhà cho UBND TP HCM gây khó khăn cho các đơn vị thuộc đường sắt về trụ sở làm việc, ảnh hưởng đến công tác điều hành vận tải đường sắt. Do đó, VNR kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải được sử dụng trụ sở nói trên và đến nay số phận tòa nhà này chưa được định đoạt.
Trả lời VnExpress, TS Nguyễn Đức Hiệp (công tác ở Bộ Môi trường và Di sản Australia) - một chuyên gia có nhiều nghiên cứu về đô thị Sài Gòn cho biết Sài Gòn là nơi đầu tiên ở Đông Dương có đường xe lửa. Xe lửa Saigon-Chợ Lớn chạy bằng hơi nước, khánh thành ngày 27/12/1881 đánh dấu khởi đầu của lịch sử hỏa xa Việt Nam và sự đi xuống của phương tiện giao thông qua kênh rạch.
"Thành phố nên bảo tồn trụ sở hỏa xa mà thời Pháp gọi là 'Bureau du chemin de fer' của Công ty Hỏa xa Đông Dương mạng phía Nam (Chemin de fer de l’Indochine, CFI, réseau du sud). Một tòa nhà mà không người dân Sài Gòn nào khi đi qua bùng binh chợ Bến Thành lại không biết đến", ông Hiệp nói.
Theo TS Hiệp, ngoài giá trị di sản kiến trúc và lịch sử, tòa nhà còn tượng trưng cho thời đại hoàng kim của ngành vận tải hỏa xa thế kỷ trước, sự phát triển ngành hỏa xa ở Việt Nam và Đông Dương. Sự thiết lập ga Sài Gòn và tòa nhà sở hỏa xa đối diện nhà ga từ thập niên 1930 và 1940, cùng thời với các nước trong vùng.
Các nhà ga xe lửa trung tâm trong thành phố ở các nước như Yangon (Miến Điện), Hua Lampong Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Nam Dương), Kuala Lumpur (Mã Lai), Mumbai (Ấn Độ), Taipei (Đài Loan), Tanjong Pagar (Singapore) không những là các công trình kiến trúc có giá trị mà còn là cửa ngõ giao thông đi khắp nơi. Hiện phần lớn nhà ga này còn hoạt động và được xếp vào di sản kiến trúc lịch sử cần được bảo tồn.
"Giá trị của thành phố không phải là nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại vô hồn mà còn giữ lại các kiến trúc lịch sử văn hóa đặc trưng và chính điều đó thu hút được người ngoài vào thăm viếng, sinh sống và đầu tư", TS Hiệp nói.
Cũng theo ông Hiệp, nếu vì lý do lợi nhuận VNR muốn phá bỏ đi tài sản mang giá trị lịch sử thì đó là suy tính sai lầm cho chính công ty về lâu dài. Đối với thành phố và người dân, việc không giữ được tòa nhà là sự mất mát lớn vì tòa nhà hỏa xa là biểu tượng, đặc trưng của thành phố.
Hiện nhiều công ty trên thế giới hoạt động ngoài mục đích lợi nhuận còn muốn đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và môi trường. "Nếu VNR tiếp thu ý kiến, hợp tác với kế hoạch bảo tồn tòa nhà sẽ tạo cho mình hình ảnh đẹp mà không sự tiếp thị nào có thể làm được tốt hơn", ông Hiệp nói.
Trong khi đó, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, TP HCM cần đưa công trình này vào danh sách cần được giữ gìn để có hành lang pháp lý bảo tồn tòa nhà. Khi đã có cơ sở pháp lý thì dù thành phố hay VNR quản lý đều phải tuân thủ quy định bảo tồn.
"Khi đã có quy chế rõ ràng, thành phố có thể thương lượng và khuyến khích VNR nên bảo tồn tòa nhà bằng cách làm bảo tàng. Khi đó, việc ai quản lý không còn quan trọng vì đều tốt cho thành phố và quy hoạch khu trung tâm không bị ảnh hưởng", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc VNR muốn giữ tòa nhà hỏa xa làm văn phòng cũng có lý bởi nơi đây từng là đầu mối xe lửa đầu tiên của Sài Gòn. Tuy nhiên, cần có quy định để phần đất phía sau tòa nhà không được xây cao tầng do nằm cạnh công trình di tích. Thay vào đó thành phố có thể thương lượng đổi cho VNR một khu đất khác để khai thác, kinh doanh hiệu quả hơn.
Khánh thành năm 1914, tòa nhà trụ sở hỏa xa (rộng gần 2.800 m2) trước đây mang tên Bureau du Chemin de fer xây theo kiến trúc Pháp với hai lầu mái ngói đỏ, là công trình có giá trị lịch sử với TP HCM và ngành đường sắt. Tòa nhà ra đời cùng lúc và nằm đối diện chợ Bến Thành - vị trí "đất vàng", đắc địa nhất của quận 1.
Hiện, tòa nhà được VNR giao cho các đơn vị trực thuộc làm văn phòng làm việc gồm: Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn; phòng điều hành vận tải đường sắt Sài Gòn; phân ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt khu vực 3; Ban quản lý đường sắt khu vực 3.
Đây là công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa ở thành phố cùng với Nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND TP HCM... và đang được lập hồ sơ xếp hạng di tích theo khoản 14, điều 1 Luật Di sản văn hóa.
Hữu Công