Chủ nhật, 12/5/2024
Thứ năm, 8/9/2022, 12:03 (GMT+7)

Dụng cụ ăn trầu hơn 700 năm được trưng bày

Khoảng 250 hiện vật ăn trầu như bình vôi, khay, ống nhổ, dao... từ thế kỷ 13 được trưng bày ở Bảo tàng TP HCM (quận 1).

Hoạt động trưng bày chuyên đề "Văn hóa trầu cau" của Bảo tàng TP HCM diễn ra đến ngày 31/10, giới thiệu các dụng cụ ăn trầu của người Việt và một số dân tộc khác như Chăm, Kh'mer... từ thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 20. Các hiện vật trưng bày do bảo tàng lưu giữ và một phần thuộc bộ sưu tập của cố linh mục Nguyễn Hữu Triết.

Bộ dụng cụ ăn trầu cơ bản khoảng thế kỷ 19-20 của người Việt, bao gồm: ô trầu, ống ngoáy trầu, bình vôi, dao bổ cau...

Tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn với câu chuyện cổ tích “Trầu Cau”. Trong quan niệm người Việt, miếng trầu là đầu câu chuyện, khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau. Trầu cau không những là lễ vật trong các nghi lễ như: tế tự, tang ma, cưới hỏi mà còn là biểu tượng của tình yêu, tình nghĩa anh em, vợ chồng…

Trong hơn 200 hiện vật trưng bày, có niên đại lâu đời nhất là những bình vôi làm bằng gốm, đủ kích thước, kiểu dáng từ thời nhà Trần (thế kỷ 13-14).

Bình vôi dùng ăn trầu thường có dáng tròn, trổ một lỗ làm miệng ở vai bình, trên chóp có quai xách, chứa vôi đã tôi sền sệt. Hầu hết bình vôi làm bằng gốm, sứ có tráng men, trang trí đẹp mắt. Bên cạnh đó có những chiếc bình làm bằng đồng.

Những chiếc bình vôi bằng gốm thời Lê - Mạc (trái, thế kỷ 16-18) và thời Nguyễn (thế kỷ 19) được trưng bày cạnh nhau.

Chiếc bình vôi bằng gốm thời Lê (thế kỷ 15-17) có kích thước tương đương siêu đun nước. Bình với họa tiết cầu kỳ, tinh tế, trên quai trang trí hình tượng rồng, phượng.

Ngoài bình đựng vôi với kích thước lớn còn có những chiếc hộp chứa vôi làm bằng kim loại của người Việt trong thế kỷ 19-20.

Hàng chục chiếc ống và chìa ngoáy trầu bằng kim loại, có tuổi đời hơn 100 năm được trưng bày.

Các loại dao bổ cau đầu thế kỷ 20 với đủ kiểu dáng, kích thước... cho thấy sự phong phú trong tục ăn trầu của người Việt.

Bộ sưu tập ống nhổ bằng kim loại đầu thế kỷ 20.

Khi ăn trầu xong thường có bã, nước thừa nên phải có ống nhổ chứa thành phần này. Ống nhổ có dáng chiếc bình miệng loe cao, thân hình cầu, chân đế thấp. Tuỳ theo giai cấp, sự cao quý mà ống nhổ có thể được chế tác bằng vàng, bạc và ngọc.

Một số dân tộc khác ở Việt Nam như Chăm, Kh'mer, Tày, Xơ Đăng... cũng có tục ăn trầu. Hoạt động trưng bày tại bảo tàng TP HCM cũng giới thiệu một vài hiện vật, hình ảnh trầu cau của họ.

Tiêu biểu là ô trầu thuộc dòng gốm Gò Sành (Bình Định), khoảng thế kỷ 13-15, do người Chăm thuộc vương quốc Champa chế tác. Ô trầu thường có hình tròn, chia thành nhiều ô nhỏ chứa các vật liệu như lá trầu, cau, vỏ quạch...

Chiếc hộp đựng vôi bằng kim loại, có tạo hình chim của người Chăm thế kỷ 16-18.

Chiếc bình vôi của dân tộc Kh'mer thế kỷ 18-19.

Quỳnh Trần