Theo các giáo sư tại Đại học Washington, khi chúng ta gửi đi mật khẩu hay mã bí mật qua sóng vô tuyến như Wi-Fi hay Bluetooth, khả năng bị tin tặc dò sóng và "bẻ khóa" rất cao. Do đó, các kỹ sư khoa học máy tính đã nghiên cứu cách thức gửi mật khẩu an toàn hơn bằng cách sử dụng ngay cơ thể con người làm môi trường truyền dẫn sóng tần số thấp tạo ra bởi cảm biến vân tay và cảm ứng trên thiết bị tiêu dùng.
Ông Shyam Gollakota - Phó giáo sư ngành khoa học máy tính và kỹ thuật Đại học Washington, tác giả chính nghiên cứu cho biết, đến nay cảm biến vân tay đã được sử dụng như một thiết bị đầu vào.
"Thật thú vị khi qua phân tích, chúng tôi thấy rằng, cảm biến vân tay có thể biến chuyển thành tín hiệu thông tin truyền đi trong cơ thể người và sau đó tái hiện lại ở thiết bị tiếp nhận", ông Shyam Gollakota chia sẻ.
Kỹ thuật mới này đã được giới thiệu trong hội nghị công nghệ UbiComp 2016 diễn ra tại Đức vào tháng 9 vừa qua. Cụ thể, Mehrdad Hessar - nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật điện Đại học Washington, đồng tác giả nghiên cứu trình bày thí nghiệm mở một chiếc cửa trang bị khóa thông minh. Theo đó, một tay người dùng đưa vào tay nắm cửa, tay còn lại chạm cảm biến dấu vân tay trên điện thoại. Lập tức cảm biến vân tay truyền từ điện thoại qua cơ thể người dùng sang tay cầm cửa, chuyển đến hệ thống tiếp nhận và xác thực mật khẩu. Nếu phân tích dữ liệu trùng khớp, cửa sẽ tự động mở.
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên iPhone và nhiều cảm biến dấu vân tay khác cũng như trackpad máy tính xách tay Lenovo hay touchpad điện dung Adafruit. Qua thực nghiệm với 10 chủ thể khác nhau, sóng truyền dẫn vận hành tốt dù có khác biệt về hình dáng, cân nặng và chiều cao. Hệ thống cũng làm việc khi đối tượng di chuyển động, kể cả khi họ đi lại và di chuyển cánh tay của mình.
"Cơ chế này hoạt động trong nhiều tư thế khác nhau như đứng, ngồi và cả khi ngủ. Tín hiệu truyền đi mạnh mẽ khắp cơ thể và thiết bị xác thực password có thể tiếp nhận thông tin tại bất cứ bộ phận nào trên người, từ chân, ngực hay bàn tay...", Vikram Iyer - nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật điện Đại học Washington, thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Phòng nghiên cứu mạng liên kết và hệ thống di động Đại học Washington nhận thấy cảm biến smartphone có thể hiểu được những tần số thấp dưới 30MHz đi xuyên cơ thể người mà không truyền qua không khí. Bên cạnh đó cảm biến dấu vân tay và touchpad có khả năng tạo ra tín hiệu từ 2-10MHz và sử dụng kỹ thuật ghép điện dung cảm nhận ngón tay trong không gian, xác định những điểm nhận dạng đặc trưng nhằm xác lập mẫu vân tay.
Thông thường, các cảm biến sử dụng tín hiệu nhận được để xác nhận thông tin đầu vào về ngón tay. Nhưng các kỹ sư Đại học Washington nghĩ ra cách biến tín hiệu này trở thành thông tin đầu ra tương ứng với các dữ liệu chứa trong mật khẩu hay mã truy cập. Khi chuyển đến smartphone, dữ liệu xác thực danh tính có thể truyền an toàn qua cơ thể tới máy thu tích hợp trong thiết bị cần phải nhập mã.
Hệ thống quét mỗi ngón tay khoảng một bit dữ liệu số, mã hóa rồi truyền tải thông tin. Nhóm nghiên cứu đã đạt được tốc độ bit 50 bit mỗi giây trên laptop touchpad và 25 bit mỗi giây với cảm biến dấu vân tay, đủ để gửi một mật khẩu đơn giản hoặc mã số thông qua cơ thể đến thiết bị giải mã trong vòng vài giây.
Các kỹ sư nhìn nhận đây mới chỉ là kết quả bước đầu và tốc độ truyền tải sẽ còn nhanh hơn nữa khi các nhà sản xuất thiết bị cảm biến vân tay chú trọng hỗ trợ ứng dụng này trong thời gian tới.
Minh Trí
Giới trẻ Việt Nam yêu thích công nghệ, lập trình có thể tham khảo chương trình đại học trực tuyến của FUNiX. Hệ thống kiến thức được truyền đạt bởi các chuyên gia - nhà tuyển dụng hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đảm bảo được trang bị kiến thức, kỹ năng và mối quan hệ cần thiết cho sự nghiệp.