Chuối tiêu
Quả chuối tiêu xanh thường được thái mỏng, ăn ghém với các loại rau thơm trong món gỏi cá, nộm sứa để bớt tanh và đề phòng đi lỏng. Nhựa quả chuối xanh mới cắt khỏi cây dùng bôi chữa hắc lào.
Một số nhà khoa học đã chứng minh rằng, chuối tiêu xanh được dùng hằng ngày dưới dạng bột chữa chứng loét dạ dày rất hiệu quả. Nó có tác dụng kích thích sự phát triển của lớp màng nhày trong dạ dày, ngăn cản sự tấn công của dịch vị vào thành dạ dày và tạo điều kiện cho các vết loét chóng lành. Họ kết luận, một khẩu phần ăn hằng ngày có chuối tiêu xanh chắc chắn giúp tránh được bệnh loét dạ dày.
Các bác sĩ dinh dưỡng ở Anh lại coi tinh bột của quả chuối tiêu xanh là nhân tố quan trọng có tác dụng phòng ngừa ung thư đường ruột.
Chuối hột (chuối chát)
Có tác dụng chữa sỏi bàng quang: Quả chuối hột xanh đem thái mỏng, sấy khô, sao vàng, hạ thổ trong vài ngày. Mỗi lần lấy 50-100 g, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2-3 lần vào lúc no.
Có thể dùng dạng nước hãm như pha trà uống; hoặc tán dược liệu thành bột, rây mịn, uống mỗi ngày 30-50 g chia làm hai lần. Những người bị đau dạ dày không nên uống nước sắc quá đặc mà pha loãng, uống làm nhiều lần trong ngày.
Chuối tây
Ở Nam Bộ, người ta hay cho trẻ em bị tiêu chảy ăn quả chuối tây xanh luộc chín và nhận thấy có kết quả tốt. Có thể lấy quả chuối tây già chưa chín, gọt bỏ vỏ, rửa sạch bằng nước muối, cắt thành miếng mỏng, phơi hoặc sấy cho thật khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Dùng bột này trộn với bột gạo, quấy cho trẻ ăn.
Một số bệnh viện đã nấu bột chuối tây xanh theo công thức sau: Bột chuối (50 g) hòa với nước, nấu chín, rồi thêm đường kính (50 g) và muối ăn, khuấy đều, để nguội, cho trẻ ăn hết trong một ngày. Bột chuối tây xanh chữa được tiêu chảy là do trong quả có nhiều tanin. Các muối trong quả chuối cũng có tác dụng bù đắp lượng muối của cơ thể mất đi trong quá trình bị bệnh. Bột này cũng có khả năng phòng tiêu chảy, chống rối loạn tiêu hóa, đầy hơi và ợ chua.
DS Hữu Bảo, Sức Khỏe & Đời Sống