Thứ năm, 19/9/2024
Chủ nhật, 3/10/2021, 12:41 (GMT+7)

Dựng chòi chăn trâu, nuôi vịt ở Sài Gòn

Tận dụng những bãi đất trống ở TP Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Kim, 63 tuổi, đi thả trâu, chiều về chòi hái sen, lùa vịt, gặt lúa...

Hơn chục năm nay, những đồng cỏ trong khu dân cư ở phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) là nơi ông Nguyễn Văn Kim chăn thả đàn trâu 26 con, từ sáng đến chiều mỗi ngày.

"Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ. Giờ chỗ này thành khu dân cư hết rồi, nhiều bà con cũng không còn làm nông dân nữa. Nhớ nghề nên vẫn đi chăn trâu, trồng lúa hàng chục năm nay", người đàn ông 63 tuổi nói.

Trước kia ông chăn vài con trâu để lấy sức cày bừa nhưng khoảng 20 năm nay, khi ruộng đồng dần thay bằng những khu dân cư thì chuyển sang nuôi cả đàn để bán.

Lão nông thường chọn những bãi cỏ rộng, có vũng nước để thả trâu. Ông cho biết ban đầu đi chăn thuê, khoảng 10 năm nay mới dành dụm đủ tiền mua trâu giống rồi gầy dựng nên cả đàn như bây giờ.

Hàng ngày, ông chỉ việc thả trâu đi ăn dạo từ sáng đến chiều thì dắt về. Xong xuôi, ông ngồi nghỉ bên lán ngay cạnh bãi cỏ để trông đàn trâu.

"Mùa mưa cỏ xanh tốt, mọc um tùm lại nhiều vũng nước nên khu đất trống nào cũng tiện chăn thả. Mà mình phải trông trâu thường xuyên, không để chúng vào nhà dân phá cây kiểng, vườn tược hay chạy rông trên đường", ông nói.

Theo ông Kim, mỗi con trâu nuôi khoảng ba năm mới bán được, tùy theo cân nặng, kích thước có giá khoảng 20 đến 30 triệu đồng.

"Một năm, tôi kiếm được cỡ 60 triệu đồng, tính ra cũng bằng mình đi làm bảo vệ nhưng được cái thoải mái hơn. Mà năm nào xui xui bị trộm trâu thì coi như công toi luôn", ông Kim nói.

15h, khi trâu đã ăn no, ông dùng ghe lùa về chuồng cách nơi chăn thả khoảng 2 km. "Cho cả đàn lội nước chỉ mất hơn nửa tiếng tới chuồng, chứ nếu đi đường bộ sẽ lâu gấp đôi lại ảnh hưởng giao thông", chủ đàn trâu cho biết.

Bãi đất nằm trong diện quy hoạch rộng 5.000 m2, ở gần cầu Phú Mỹ là nơi ông Kim cùng vợ ở hơn chục năm nay. Được chủ đầu tư cho phép, hai vợ chồng đào thêm ao sen, trồng lúa, chăn vịt... để "tăng gia sản xuất".

Vừa lùa trâu vào chuồng, người đàn ông tuổi lục tuần lại lội xuống đầm hái ngó và hạt sen làm bữa ăn chiều. Ông cho biết, khu vực này thường ngập nước nên rất thích hợp để trồng sen. Với ba đầm rộng gần 2.000 m2, mỗi ngày ông có thể kiếm được 300.000 đồng từ bán sen.

"Trước đó ngày nào tôi với bà xã cũng hái đem ra chợ bán, nhiều khách đi đường ngang qua cũng hay dừng lại hỏi mua hoa. Mà mấy tháng nay dịch, chợ đóng cửa nên mất một nguồn thu nhập", ông nói.

Đàn vịt 200 con được chăn thả tự do trên những cánh đồng ngập nước vừa thu hoạch xong, đến chiều được chủ lùa về chuồng. Mấy bữa nay, gia đình ông bị trộm gần 50 con vịt không kể lớn bé.

Ông Kim có hơn 2.000 m2 trồng lúa mỗi năm hai vụ, thu được khoảng 3 tấn. Lúa ông không bán mà để ăn với làm thức ăn cho vịt. Những tháng dịch bệnh, các con ông không có việc làm nên sang phụ cha mẹ gặt, phơi thóc, cày đất... để gieo vụ mới.

Vợ chồng ông Kim có 5 người con, nhỏ nhất 30 tuổi, hầu hết đã lập gia đình và có công việc ổn định. Họ sống ở gần đó, mỗi khi rảnh thường sang chòi chơi, phụ ba mẹ việc đồng áng.

Buổi tối ông Kim cùng vợ, bà Phạm Thị Vân (62 tuổi) ngồi trong căn chòi giữa khu đất rộng mênh mông. Hơn một năm nay, họ dùng tấm pin năng lượng mặt trời thay thế bình ắc-quy để có điện dùng. Nước sinh hoạt được mua với giá 150.000 đồng cho 1,5 m3, sử dụng được hơn nửa tháng.

"Con cái đứa nào cũng muốn cha mẹ về nhà ở cho đủ tiện nghi mà tôi không thích thôi. Ở đây yên bình, gắn bó với ruộng đồng cũng không lo thiếu cái ăn nên mình cứ sống, đến khi nào chủ đất kêu đi thì tính tiếp", ông Kim nói.

Quỳnh Trần