Các nhà khoa học Anh hôm 24/5 cho biết chó đánh hơi Covid-19 sẽ sớm được triển khai tại sân bay hoặc những nơi tụ tập đông người, giúp sàng lọc hàng trăm người xuống máy bay trong vòng nửa giờ, với độ nhạy lên tới 94,3%.
Chúng được huấn luyện ngửi 3.500 mẫu mùi dưới dạng tất chưa giặt hoặc áo phông do nhân viên y tế hoặc người dân gửi tặng. Kết quả nghiên cứu giai đoạn đầu cho thấy chúng có thể đánh hơi người mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, cũng như các ca nhiễm biến chủng Anh.
"Chó có thể là cách tuyệt vời để giám sát lượng lớn người một cách nhanh chóng, ngăn Covid-19 tái xâm nhập Anh", Steve Lindsay, giáo sư khoa sinh học, đại học Durham, người tham gia nghiên cứu, nói.
James Logan, chuyên gia kiểm soát bệnh tật tại Trường vệ sinh và y học nhiệt đới London, người đứng đầu dự án, cho hay lợi thế của chó đánh hơi so với những phương pháp kiểm tra khác như xét nghiệm nhanh là "tốc độ đáng kinh ngạc và độ chính xác giữa những nhóm đông người".
Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh được công bố trực tuyến hôm nay, đã bổ sung vào các dự án khác của Phần Lan, Đức, Chile và những quốc gia đang thử nghiệm phương pháp dùng chó đánh hơi Covid-19 ở sân bay.
Những con chó trong nghiên cứu tại Anh được huấn luyện trong vài tuần, bằng cách được giới thiệu 200 mẫu mùi từ những người dương tính nCoV, cũng như 200 mẫu đối chứng từ người âm tính.
Những con có hiệu suất phát hiện cao nhất trong thử nghiệm đã đánh hơi thấy nCoV trong các mẫu với độ nhạy lên tới 94,3%, nghĩa là nguy cơ phát hiện âm tính giả rất thấp, và độ đặc hiệu lên tới 92%, nghĩa là nguy cơ phát hiện dương tính giả cũng rất thấp.
Nhóm nghiên cứu của Logan cho hay độ chính xác này cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), so với phương pháp xét nghiệm nhanh có độ nhạy từ 58% tới 77%. Các chuyên gia lưu ý phát hiện này sẽ cần thử nghiệm thêm ở các tình huống thực tế.
"Nghiên cứu bằng chứng về lý thuyết này cho thấy những con chó được huấn luyện phát hiện Covid-19 có thể được sử dụng ở những nơi như sân bay, sân vận động, buổi hòa nhạc", Lawrence Young, nhà virus học kiêm giáo sư về ung thư học phân tử tại Đại học Warwick, nói.
"Câu hỏi cần được trả lời là liệu cách tiếp cận này có hiệu quả trong thực tế trên con người, chứ không phải trên mẫu tất hoặc quần áo hay không?"
Hồng Hạnh (Theo Reuters)