Bé cùng ngón tay bị đứt rời được người nhà đưa đến bệnh viện huyện ở Bắc Ninh sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, ngày 3/6. Bác sĩ Đào Văn Giang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, cho biết các bác sĩ lập tức tiến hành vi phẫu nối ngón tay đứt rời cho bé.
Theo bác sĩ Giang, ngón tay đứt rời ở trẻ em là tổn thương khó khắc phục do mạch máu rất nhỏ. Kíp mổ phải tiến hành nối gân, nối xương, nối thần kinh và mạch máu kích thước chỉ 0,4-0,5 mm.
Các bác sĩ phải dùng những sợi chỉ phẫu thuật nhỏ hơn sợi tóc để khâu nối, đảm bảo mạch máu lưu thông, hồi sinh chi thể đứt rời cho bệnh nhi. Bệnh nhi đã được khâu nối một động mạch và một tĩnh mạch bằng kỹ thuật vi phẫu. Ca phẫu thuật kéo dài trong 4 tiếng, ngón tay của bé được nối lại, đầu chi hồng ấm và có dấu hiệu phục hồi tốt.
Phó giáo sư Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình -Thẩm mỹ, cho biết bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận các bệnh nhi bị tai nạn sinh hoạt đứt rời chi thể.
Phó giáo sư Hà nhớ mãi trường hợp một cháu bé bị đứt rời bàn chân. Bé sống trên thuyền chài, sợ cháu ngã xuống sông, người ông dùng dây buộc vào cổ chân bé. Không may đầu còn lại của dây cuốn vào động cơ thuyền, dây thừng thít chặt làm đứt rời bàn chân cháu. Người ông hoảng sợ, ném phần chân bị đứt xuống biển rồi đưa cháu đi cấp cứu. Đến viện, bác sĩ hỏi chân bị đứt của cháu bé đâu, gia đình mới trở về thuê 3 thợ lặn xuống biển tìm chiếc chân rồi mang đến cho bác sĩ phẫu thuật nối. May mắn ca phẫu thuật thành công, nay cháu bé đã đi lại bình thường.
Các bác sĩ khuyên, không may xảy ra tai nạn đứt rời chi thể, cách bảo quản đúng là cho phần chi thể vào một túi ni lông sạch, để trong một túi ni lông khác đựng nước buộc chặt lại rồi đặt trong thùng đá lạnh, đảm bảo chi thể đứt rời được giữ nhiệt độ 4-10 độ C. Sau đó chuyển bệnh nhân cùng phần chi thể đứt rời đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.