Theo UBND TP Đà Lạt, hoạt động diễn ra hơn 30 năm nhưng dịch vụ kinh doanh trên mặt nước tại các hồ trong thành phố vẫn chưa được cấp phép theo quy định của Luật Thủy lợi. Vì vậy, thành phố đã yêu cầu Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt chấm dứt hợp đồng, ngưng hoạt động dịch vụ chèo thuyền, đạp vịt ở thắng cảnh hồ Xuân Hương và hồ Đa Thiện 3.
Đạp vịt tại hồ Xuân Hương và hồ Đa Thiện 3 được xem là dịch vụ đặc trưng của các hồ ở Đà Lạt, thu hút khách du lịch.
Đại diện Trung tâm Quản lý đầu tư và khai thác công trình thủy lợi Đà Lạt cho biết đã làm việc với các đơn vị kinh doanh tại hai hồ trên. "Loại hình vui chơi trên mặt nước cần được cấp phép để đảm bảo an toàn, thẩm mỹ và hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật", đại diện Trung tâm nói.
Hồ Xuân Hương hiện có hai công ty và một hộ cùng kinh doanh đạp vịt trên 38 ha mặt nước với 95 pedalo (thuyền đạp vịt) và 3 canô cứu hộ. Hồ Đa Thiện 3 có 50 pedalo hoạt động trên gần 15 ha mặt nước, 15 thuyền SUP, 10 kayak và 3 canô cứu hộ.
Trung tâm Quản lý cho biết dịch vụ kinh doanh trên mặt nước từ trước đến nay đảm bảo an toàn cho du khách và công trình thủy lợi, cũng như môi trường xung quanh. Để tiếp tục khai thác, các đơn vị đã nộp hồ sơ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng đến nay chưa được cấp phép hoạt động.
Ông Nguyễn Trần Anh Duy, chủ của một trong ba đơn vị khai thác dịch vụ đạp vịt ở hồ Xuân Hương với 30 pedalo, cho biết kinh doanh đã 20 năm. Ông mong muốn được cấp phép để tiếp tục kinh doanh vì "đây là nguồn thu duy nhất". Nếu phải dừng hẳn, đơn vị không biết di dời pedalo đi đâu, đưa lên bờ sẽ bị hư hỏng.
Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm TP Đà Lạt được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - thuộc loại Danh lam thắng cảnh, năm 1988. Hồ Đa Thiện 3, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt, với một phần diện tích phục vụ du lịch nằm trong Thung lũng Tình yêu.
Tuấn Anh