Người gửi: Nguyễn Duy Tân
Việc đánh giá chất lượng sách giáo khoa là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là chương trình học chưa phù hợp. Đó là vấn đề liên quan đến chất lượng giáo dục nước nhà.
Để có được chất lượng sách giáo khoa tốt thì chương trình học phải được xem xét trước tiên. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu trình Chính phủ, đưa ra Quốc hội về yêu cầu nội dung cần thiết cho từng cấp học. Làm sao học sinh không bị nhồi nhét, tạo cho các em cách phát triển tư duy, không thụ động, tăng cường giáo dục thể chất.
Sinh viên đại học và sau đại học đi sâu và mở rộng lĩnh vực học của mình, có thực tế (nghịch lý hiện nay: học đại học vừa học vừa chơi, không có thực tế; còn các cấp dưới chương trình quá nặng, không thiết thực).
Việc viết và biên tập sách phải do đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy viết, phải được nghiên cứu cùng việc tham khảo nội dung chương trình giáo dục của các nước phát triển như Anh, Mỹ...
Nếu chúng ta bỏ ra vài chục tỷ đồng cho nội dung này thì có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho xã hội hàng năm. Và vấn đề quan trọng đó là cả tương lai nước nhà.
Người gửi: Đậu Cao Bình
Theo tôi, nội dung các bộ sách giáo khoa hiện nay có lượng kiến thức quá lớn. Những người biên soạn có thể là những người rất giỏi, kiến thức rất uyên bác và họ thể hiện tất cả sự uyên bác của mình khi soạn sách.
Nhưng xin nhớ rằng mỗi người chỉ có thể là bác học trên một lĩnh vực. Vậy thì không nên có tham vọng biến con em chúng ta thành bác học trên mọi lĩnh vực.
Trong quá trình dạy, các thầy cô lại sưu tầm và ra thêm rất nhiều bài tập, đề cương... Bên cạnh đó, số lượng sách tham khảo lại quá nhiều, không có sự định hướng làm cho học sinh bị quá tải về kiến thức nặng nề. Những em gia đình có điều kiện thì học thêm, những em không có điều kiện thì ngày càng đuối, dẫn tới chán và bỏ học.
Trong cả hai trưòng hợp đều dẫn đến nguy cơ, tiêu cực cho xã hội. Bộ GD&ĐT cần tạo điều kiện cho các thầy cô giáo gõ vào trí thông minh, thức tỉnh nguyên khí của học sinh, thay vì cố gắng nhồi nhét quá nhiều kiến thức mà khi các em lớn lên chắc chắn đã lạc hậu.
Chúng ta đã hội nhập với thế giới. Tại sao không tham khảo chương trình sách giáo khoa của các nưóc tiên tiến để học hỏi? Chúng ta đã cải cách bao nhiêu lần nhưng nền giáo dục hơn 20 năm qua vẫn cứ loanh quanh, trong khi trí thông minh của học sinh Việt Nam đâu có thiếu?
Nếu thực sự muốn thay đổi, theo tôi phải ổn định sách giáo khoa một cách khoa học, kết hợp với các giải pháp khác như nâng cao chất lượng giáo viên, nâng cao uy tín của giáo viên với học sinh, củng cố cơ sở vật chất của ngành giáo dục...
Người gửi: Nguyễn Xuân Trường
Tôi thấy mừng vì Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận ra một trong những nguyên nhân quan trọng là sự bất hợp lý của chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.
Theo tôi, hiện học sinh phổ thông phải học quá nhiều dẫn tới sự phân hóa khá sâu: những học sinh có khả năng học thì học khá và có hiểu biết tốt, nhưng ngược lại số đông học sinh học rất kém.
Tôi mong Bộ nên tổ chức lấy ý kiến thăm dò rộng rãi đối với học sinh và giáo viên trực tiếp giảng dạy ở phổ thông thì mới có cái nhìn khách quan và chính xác về chương trình học hiện nay.
Về sách giáo khoa, tôi cho rằng khi đã bị khống chế về thời lượng chương trình và khung chương trình thì không thể đổ lỗi cho các nhà viết sách được, cốt lõi của sách khó học chính là ở khung chương trình, số bộ môn học và thời gian dành cho các môn học có quá nhiều bất hợp lý.