Không chỉ vấn đề tiền lương, nhân viên thời nay còn đòi hỏi được huấn luyện nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và được tôn trọng cuộc sống riêng tư. B2E giúp nhân viên tìm được cảm giác hài lòng với công việc và nhờ đó, khuyến khích họ ở lại với công ty.
Hệ thống này còn bao gồm: thông tin sản phẩm và doanh thu, những phát minh của công ty, huấn luyện trên mạng, các loại đơn từ (như đơn xin nghỉ phép thường niên và công tác phí), cộng tác trên mạng giữa các nhóm dự án và cả dịch vụ quảng cáo.
Dù vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, nhưng đã có một số công ty thiết lập dịch vụ B2E. Steven Melville, Giám đốc điều hành của Ingena, nhà cung cấp B2E cho doanh nghiệp, nói: "Chúng tôi đã nhìn thấy lợi tức khổng lồ từ thị trường này. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một khái niệm mới mẻ và động lực chính để các công ty đầu tư vào B2E là nhằm giảm các loại chi phí và củng cố kinh nghiệm của nhân viên về lâu dài".
Ngoài ra, theo ông Melville, một trong những dịch vụ nổi trội nhất của hệ thống này là huấn luyện trên mạng. Nhờ dịch vụ này mà Ngân hàng Quốc gia Australia hy vọng có thể tiết kiệm được hơn 2 triệu USD chi phí dành cho công tác huấn luyện trong vòng 2 năm tới. Một công ty khác cũng đã sử dụng thế hệ mạng này là Ericsson Australia, với các dịch vụ như: cung cấp đơn xin nghỉ phép, thanh toán công tác phí, đào tạo thông qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, tư vấn về chế độ ăn uống lành mạnh, những khóa học yoga hay massage và dịch vụ thương mại của công ty.
Giám đốc mạng B2E của Ericsson Kate Raulings cho biết, thách thức chủ yếu với công ty là bảo đảm những gì cung cấp trên hệ thống đúng với nhu cầu của người sử dụng và chọn những nguyên tắc thích hợp để truyền tải thông tin. Một khó khăn khác là làm sao kiểm soát việc sử dụng hệ thống để vừa ngăn chặn được những kẻ cơ hội vừa bảo đảm nâng cao năng suất, cũng như giảm được các chi phí, chứ không phải chỉ quanh quẩn các thông tin như mua xe Honda Accord với giá rẻ hay thực đơn ăn kiêng mới nhất.
(Theo Người Lao Động)