Bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, chiều 18/10 xác nhận thông tin trên. Theo bà Hòa, các trường THCS trước nay chỉ tập trung vào chuyên môn dạy học, không có chức năng làm bán trú nên khi có hình thức này sẽ lúng túng. Nếu tổ chức bán trú như trường mầm non, tiểu học, các trường cần có ban giám sát gồm công đoàn, cha mẹ học sinh và làm việc theo một hệ thống, tổ chức quy củ, giám sát chặt chẽ. Hơn nữa, không có quy định nào yêu cầu các giáo viên THCS ở lại trông trưa.
"Tôi quyết định tạm dừng để phụ huynh và nhà trường bàn bạc thật kỹ, khi nào đủ điều kiện, cảm thấy chặt chẽ rồi thì tiếp tục", bà Hòa nói, cho biết thời gian có thể vài ngày hoặc vài tuần.
Theo bà để đảm bảo chặt chẽ là phải có ban kiểm tra. Ví dụ, trường hạng một tổ chức bán trú, ngoài hiệu trưởng còn có một hiệu phó phụ trách chuyên môn và một về cơ sở vật chất và ăn bán trú. Trường THCS Yên Nghĩa hạng hai, chỉ có một hiệu trưởng và một hiệu phó. "Phải có ban giám sát và hệ thống các cô trông trưa", bà Hòa giải thích.
Để đi đến quyết định này, bà nói đã suy nghĩ nhiều. Sự việc nếu kéo dài nữa, giáo viên không tập trung vào dạy, làm hưởng chất lượng dạy và học. Hơn nữa, học sinh THCS đã lớn, có thể tự đi về cơm nước.
"Thời gian tạm dừng có thể vài ngày, vài tuần để nhà trường nhìn nhận lại công tác của mình; phụ huynh tham gia ở vai trò giám sát như thế nào và nhà cung cấp suất ăn phải có trách nhiệm ra sao. Các bên phải cùng ngồi lại để bàn bạc, không để con trẻ gánh ánh hưởng đó", bà Hòa nói.
Thông báo dừng ăn bán trú khiến phụ huynh học sinh lo lắng. Chị Phạm Thùy Linh, có con học lớp 6, nói chị cũng lường đến việc này, nhưng "tôi không nghĩ xảy ra nhanh như vậy". Việc dừng ăn trưa ở trường sẽ bắt đầu ngay ngày mai, 19/10, theo thông báo đến cha mẹ học sinh qua nhóm zalo.
Nhà gần trường nên chị Linh có thể sắp xếp nhờ người được nhưng nhiều gia đình đang không biết xoay xở ra sao.
"Cách giải quyết như thế quá khó cho chúng tôi. Phụ huynh đang loạn vì chưa sắp xếp được con ăn uống như thế nào; ai quản lý lúc trưa", chị nói.
Theo chị Linh, buổi gặp của phụ huynh với nhà trường và Công ty Hoa Sữa, đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho trường, nhằm đấu tranh để cải thiện suất ăn tốt hơn, "chứ không nhằm quay xe đóng bếp".
"Chúng tôi vẫn muốn giữ bếp ăn và mong nhà cung cấp đảm bảo chất lượng bữa ăn để phụ huynh yên tâm đi làm", chị bày tỏ.
Anh Trần Văn An cũng "sốc" khi nhận quyết định dừng đột ngột. Là thành viên ban phụ huynh của trường và lớp, suốt trưa nay, anh nhận được nhiều tin nhắn của các bậc cha mẹ bày tỏ sự hoang mang. Nhiều gia đình hai vợ chồng làm công chức, buổi trưa không về nấu cơm cho con được; chiều cũng không đón kịp. Việc trường dừng ăn bán trú làm xáo trộn cuộc sống cũng như lịch làm việc của họ.
"Đa số phụ huynh có nguyện vọng gửi con ăn bán trú ở trường. Các gia đình không mong muốn dừng bếp ăn", anh An nói.
Trước đó, trong buổi kiểm tra đột xuất hôm 10/11, các phụ huynh phát hiện suất ăn trưa giá 32.000 đồng chỉ gồm có canh giá, 3-4 miếng cá rô phi rán, khoai tây xào và một miếng giò. Họ nhận thấy có sự thiếu hụt thực phẩm so với định lượng ghi trong bản kê.
Nhà trường, phụ huynh và nhà cung cấp suất ăn sau đó có cuộc họp ba bên chiều 17/10. Bên cung cấp đã giải trình về bữa ăn, nhận có sai sót và xin lỗi, hứa khắc phục. Phía nhà trường cũng nhận thiếu sót trong công tác giám sát quản lý bữa ăn bán trú và mong phụ huynh tham gia tích cực hơn vào công việc kiểm tra, giám sát.
Trường THCS Yên Nghĩa ký kết hợp đồng cung cấp khoảng 500 suất ăn/ngày với Công ty Hoa Sữa từ năm học 2020-2021. Năm nay giá mỗi suất ăn trưa à 32.000 đồng, đã được thông qua hội phụ huynh và thông báo từ tháng 7 khi tuyển sinh.
Bình Minh