Lý do là sáng ngày hôm đó tại một ngã tư đông đúc bậc nhất của Hà Nội tôi đã muốn đi thẳng (theo tín hiệu cho phép của đèn giao thông) mà không nhìn thấy công an đang chỉ hướng cho tất cả các phương tiện rẽ trái để không làm tắc thêm đoạn đường trước mặt.
Hơn 20 năm, cái “gõ dùi cui” năm ấy vẫn là một ấn tượng sâu sắc trong tôi về lực lượng công an. Sâu sắc một phần bởi nó rất đau với một thằng nhóc khi đó mới 13 tuổi nhưng phần khác là bởi sự bất ngờ, bao hàm trong đó là một cảm giác oan ức khi tôi đã bị gõ chỉ vì chưa kịp quan sát và hiểu hiệu lệnh rẽ trái của đồng chí công an.
Tuần trước khi ngồi trong Studio của một kênh truyền hình để viết bình luận về hành động “quật ngã người bán hàng rong” của một thượng sĩ công an ở phường 4, quận 6, TP HCM cảm giác của tôi về cái gõ dùi cui năm nào lại hiện rõ mồn một. Nhiều năm làm biên tập viên truyền hình, tôi hiểu rằng một đoạn video thì không bao giờ chuyển tải toàn bộ sự thật. Tôi hiểu rằng người thượng sĩ công an ở TP HCM cũng giống với anh cảnh sát giao thông của tôi 20 năm trước đều đang phải chịu những căng thẳng, áp lực khi thực thi nhiệm vụ. Bởi những hành động bột phát khi đang cáu thì có thể gặp ở bất cứ đâu, bất cứ ngành nghề nào. Nó có thể là câu quát nạt của một người soát vé ở sân bay, cái tét đít của một cô giáo khi trông trẻ hay cái dằn đĩa đồ ăn trước mặt khách của một cậu phục vụ bàn.
Nhưng ở bất cứ đâu trên thế giới hành động của lực lượng cảnh sát cũng thường bị săm soi kỹ càng hơn các ngành nghề khác. Điều đó dễ hiểu bởi về bản chất công an làm nhiệm vụ hạn chế các quyền tự do (bất hợp pháp) của người dân để duy trì an ninh, trật tự cho những người khác. Ở góc độ ngược lại, công an những người thường phải đương đầu với nguy hiểm cũng rất dễ có xu hướng áp dụng vũ lực với những đối tượng mà họ cho rằng đang cản trở họ “thực thi công vụ”.
Bạn tôi kể rằng ở Mỹ khi cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe, người lái luôn phải ngồi yên trên xe, hai tay đặt trên vô lăng. Nếu hành động đột ngột hay bước ra khỏi xe mà chưa được phép, cảnh sát sẽ có quyền bắn bỏ. Tuy nhiên đó chỉ là ở nước Mỹ nơi mỗi năm có cả trăm cảnh sát chết khi làm nhiệm vụ, nơi tội phạm đông đảo, manh động và có rất nhiều súng.
Quay trở lại với sự việc “công an quật ngã người bán hàng rong” hình ảnh mà tôi đã phải tua đi tua lại nhiều lần là cái vung tay của người bán hàng rong trước khi anh này bị công an quật ngã. Cái vung tay đó liệu đã đủ để cấu thành tội “chống người thi hành công vụ” vốn được định nghĩa là “hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng những thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình” hay chưa?
Một băn khoăn theo chiều ngược lại: tôi sợ rằng vì những chỉ trích của xã hội đến một lúc nào đó các chiến sĩ công an sẽ chùn tay khi làm nhiệm vụ bởi họ sợ hành động của mình sẽ bị hiểu sai, sợ trách nhiệm và sợ các khủng hoảng truyền thông.
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác người công an đang chịu sự giám sát ngày một nhiều hơn của những chiếc smartphone có camera và mạng xã hội. Những chiếc dùi cui vung lên không cần thiết bây giờ sẽ có nguy cơ cao bị tố giác với cộng đồng.
Tuần trước một cảnh sát quận 6 quật ngã người bàn hàng rong, một chiến sĩ công an khác ở Hà Nội đã phải xin lỗi người dân khi bị tố giác có hành vi nhổ nước bọt. Tuần này một quyết định khởi tố quán café “Xin Chào” do công an huyện Bình Chánh đề xuất đã phải rút lại vì “chuyện bé xé ra to”. Tất cả những chi tiết đó cho thấy việc vận dụng luật của cơ quan công an sẽ cần phải được cân nhắc ngày một kỹ càng hơn.
Điều đó quả tình là khó bởi lực lượng công an sẽ phải phân tích được khi nào người dân chỉ vi phạm pháp luật và khi nào thì hành vi của anh ta có khả năng gây nguy hại tới cộng đồng. Họ cũng sẽ phải đánh giá trong một vài phần trăm giây để đưa ra quyết định cái gạt tay của người bán hàng rong là hành động phản xạ hay đó là một nắm đấm đang hướng về lực lượng công quyền.
Nhưng tôi tin nếu lực lượng công an hiểu vì sao mình được gọi là “Công An Nhân Dân” thì họ sẽ phân biệt được. Khi đó họ sẽ hiểu “cái dùi cui” mà nhân dân đã trao cho họ chỉ nên được sử dụng để phục vụ nhân dân.
Lê Anh Ngọc