Chính phủ Đức đang bàn bạc về khả năng sẽ trợ giúp khẩn cấp cho Hy Lạp. Tin tức này phát đi vào hôm qua, sau khi chính phủ Hy Lạp tuyên bố hoãn kế hoạch phát hành trái phiếu đến tuần sau. Tại Hy Lạp, các cuộc biểu tình dâng cao trên toàn quốc, phản đối các chính sách tiết kiệm ngân sách mạnh tay. Tuy người phát ngôn của Bộ tài chính Đức từ chối bình luận về gói trợ giúp, nhưng tin này cũng giúp đồng euro phục hồi hơn 0,5% giá trị trong ngày hôm qua.
Các cuộc biểu tình phản đối hàng loạt biện pháp cắt giảm lương, tăng thuế đã lan từ thù đô Athens ra toàn quốc và ngày càng dâng cao. Ảnh: Reuters |
Bất chấp các cuộc biểu tình, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou hôm thứ sáu thề sẽ mạnh tay áp dụng các biện pháp cứng rắn, dù phải trả bất cứ cái giá nào về chính trị. Cuộc khủng hoảng nợ nần tại Hy Lạp vốn là nguyên nhân gây ra sự bất ổn đối với đồng euro trong 2 tháng qua. Ông cũng nói thêm rằng tuy không kêu gọi các nước châu Âu phải trả nợ thay cho họ, nhưng Hy Lạp hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ khi vật lộn vượt qua khó khăn.
Cuối phiên giao dịch ngày 26/2 tại New York, một euro đổi được 1,3618 USD, tăng nhẹ so với mức 1,3560 USD của 24 giờ trước đó. Đôla Mỹ cũng giảm giá so với đồng yen Nhật, một USD hiện chỉ còn đổi được 88,88 yen trên thị trường hối đoái quốc tế. Chỉ số ICE Dollar giảm từ 80,685 xuống còn 80,380.
Giá vàng tăng cao nhất trong vòng 7 ngày qua khi đôla Mỹ giảm giá, kích thích giới đầu tư tìm đến các tài sản mạo hiểm hơn. Giá vàng giao tháng 4 tăng thêm 10 USD một ounce, đạt 1.118,9 USD một ounce tại thị trường New York.
Giá dầu thô tiến sát mốc 80 USD một thùng trong ngày thứ 6 khi thời tiết lạnh giá khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô tại Bắc Mỹ có dấu hiệu tăng trở lại. Tại New York, dầu thô tăng giá 1,49 USD, đạt 79,66 USD một thùng. Giá dầu Brent tại London cũng tăng 1,3 USD, đạt 77,59 USD một thùng.
Doanh số nhà tồn đọng trong tháng 1 giảm 7,2% và là tháng đi xuống thứ 2 liên tiếp, khiến các nhà đầu tư một lần nữa lo lắng về đà phục hồi của thị trường nhà đất. Trước đó, báo cáo cho thấy doanh số nhà mới yếu ớt nhất kể từ năm 1963.
Hãng bảo hiểm AIG hôm qua công bố kết quả kinh doanh quý 4/2009 với thua lỗ 8.9 tỷ USD. Đây là hậu quả của việc hãng đã bán đi một lượng cổ phần lớn trong trong mảng kinh doanh bảo hiểm, để lấy tiền trả nợ cho chính phủ Mỹ. Đây là quý thua lỗ mới nhất của AIG sau hai quỹ lãi liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, nếu so với một năm trước thì đây là thành tích đáng kể do hồi quý 4/2008, thua lỗ của AIG lên tới 61.7 tỷ USD, thua lỗ tính theo quý lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Logo của AIG tại trụ sở chính ở New York. Ảnh: AP |
Hãng tài chính Fannie Mae vừa công bố thua lỗ quý 4 lên tới 16,3 tỷ USD. Dù vẫn còn lỗ những có vẻ Fannie đang phục hồi dần sau khi thua lỗ 19,8 tỷ USD vào quý 3/2009 và lỗ 25,2 tỷ USD vào quý 4 năm trước đó. Fannie và người chị em Freddie Mac là hai nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng thế chấp. Hôm thứ tư, Freddie Mac công bố lỗ quý 4/2009 là 7.8 tỷ USD, so với 23,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà chức trách Mỹ đóng 2 ngân hàng tại Nevada và Washington trong ngày thứ 6, nâng tổng số ngân hàng vị đóng cửa từ đầu năm tới nay lên con số 22. Trong khi các tập đoàn lớn ngày càng phục hồi, giới doanh nghiệp nhỏ Mỹ vẫn đang vật lộn trong khủng hoảng. Kể từ tháng 1/2008 đến nay, 187 ngân hàng biến mất tại Mỹ. Các nhà chức trách cảnh báo 2010 sẽ có thể là năm đỉnh điểm của làn sóng đóng cửa trong ngành này.
Thanh Bình