"Chúng tôi không trung lập về vấn đề Venezuela mà ủng hộ quốc hội, cơ quan do người dân bầu ra. Chức vụ tổng thống của Nicolas Maduro không có tính hợp pháp dân chủ", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 24/1 viết trên Twitter.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng DW cùng ngày, Maas cũng khẳng định Đức "đứng về phía Juan Guaido", chủ tịch quốc hội Venezuela, thủ lĩnh phe đối lập chống chính quyền Maduro. Guaido hôm 23/1 tự nhận là tổng thống lâm thời trước hàng chục nghìn người ủng hộ, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Maduro.
"Người dân Venezuela đã dũng cảm đấu tranh vì một tương lai tự do cho đất nước. Điều này đòi hỏi quá trình chính trị dẫn tới các cuộc bầu cử tự do và đáng tin cậy. Quốc hội được thành lập một cách dân chủ đóng vai trò đặc biệt trong quá trình này", phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết trên Twitter.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ủng hộ Guaido và gọi chính quyền của Maduro là "bất hợp pháp". Đáp lại, Maduro cáo buộc Washington kích động âm mưu đảo chính và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này. Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) sau đó yêu cầu Hội đồng Bảo an họp về tình hình Venezuela vào ngày 26/1.
Các nước Mỹ Latin như Brazil, Argentina, Colombia nhanh chóng theo chân Trump công nhận Guaido. Pháp và Anh, hai trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ cũng đặt nghi vấn về tính hợp pháp của Maduro.
Tuy nhiên, Maduro nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Cuba và Bolivia. Mexico cũng cho biết họ vẫn coi ông là tổng thống Venezuela. Nga thể hiện sự ủng hộ Maduro bằng cách phản đối tình trạng "can thiệp phá hoại từ bên ngoài" và "nỗ lực chiếm đoạt quyền lực" của phe đối lập. Trung Quốc cũng có phản ứng tương tự Nga khi tuyên bố "ủng hộ nỗ lực duy trì chủ quyền, độc lập và ổn định đất nước của chính phủ Venezuela".