- Ca sĩ Việt Nam nào cũng nói đi hát vì niềm đam mê, còn anh, ngoài yếu tố này còn vì một điều gì khác?
- Bây giờ nhiều ca sĩ đi hát vì muốn nổi tiếng chứ không phải vì đam mê. Còn tôi, trở thành ca sĩ là một điều hết sức tự nhiên mà ngay cả bố mẹ tôi cũng hiểu, bởi tôi mê hát từ nhỏ và luôn đoạt giải các cuộc thi hát trong suốt thời gian học.
Tuy nhiên, đam mê của tôi trong sự nghiệp là đam mê có định hướng. Từ khi bước vào làng âm nhạc, tôi đã đặt mục tiêu: đi hát là phải nổi tiếng, nổi tiếng mới chứng tỏ thành công. Khi làm điều gì đó, tôi đều muốn trở thành người thành công chứ không muốn thua kém ai.
![]() |
Ca sĩ Đức Tuấn. Ảnh: nhacso. |
- Đôi khi, người tính không bằng trời tính. Nếu có tài mà không gặp may thì cố gắng mấy, quyết tâm mấy cũng khó thành công. Anh nghĩ sao?
- Thường những người thành công là những người gặp vận may, còn không thành công là bởi họ không biết tận dụng may mắn ấy. Tôi nhớ một câu nói: "May mắn không đến với những người đi tìm nó mà chỉ đến với những người biết tạo ra nó".
Tôi không bao giờ ngại ngùng hay xấu hổ khi tự mình đi xin hát ở những sô diễn lớn có chất lượng nghệ thuật cao, ví dụ như Trịnh Công Sơn - Đêm thần thoại.
Sáu tháng trước khi đêm nhạc diễn ra, tôi tình cờ đến phòng thu Viết Tân và được nghe anh Quốc Bảo, người phụ trách phần âm nhạc chương trình nói về sô đó. Khi biết những người thực hiện muốn tạo nên "chất liệu" cổ điển trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, tôi tin chắc rằng cách hát của tôi phù hợp. Tôi đã gặp anh Bảo cũng như ban giám đốc Phương Nam film thuyết phục họ cho tôi cơ hội. Lúc đó, tên tuổi tôi chưa đủ ấn tượng để họ lựa chọn, vì có rất nhiều ứng cử viên khác tốt hơn tôi. Đó là một may mắn có tính chất quyết định.
- Giải nhất "Tiếng hát truyền hình TP HCM 2000" được xem là may mắn bước đầu, giúp anh khởi nghiệp. Nhưng thời gian đó, anh không thể tận dụng sự may mắn ấy mà vẫn là ca sĩ hát lót ở quán bar, phòng trà. Nếu bây giờ đoạt giải, mọi sự sẽ thế nào?
- Tính tôi hiếu thắng và tham vọng từ bé nên rất thích tham gia các cuộc thi, không chỉ thi hát mà còn thi học sinh giỏi. Tôi mê thi thố vì muốn chứng tỏ khả năng. Nhưng lên đại học, tôi xác định đi thi còn nhằm mục đích tạo thêm thu nhập cho chính mình. Lúc ấy bố mẹ tôi ở Long Xuyên chỉ tài trợ cho tôi 500.000 đồng mỗi tháng chi tiêu tại Sài Gòn. Trong khi đó, nếu thi hát và đoạt giải ở trường, ở quận, tôi sẽ thêm được từ 500.000 đến 1 triệu đồng nữa.
Giải nhất Tiếng hát truyền hình TP HCM năm đó giúp tôi có hai mấy triệu đồng. Tôi mua được chiếc xe mới, sau đó còn có cơ hội đi hát ở phòng trà, quán bar rất nhiều. Có khi một tối hát 7 sô mà cát-xê chỉ khoảng 150.000 đồng một sô.
Tôi là lính mới nên không biết định giá cát-xê, người ta trả bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Nhưng tôi cũng không phải xin tiền của bố mẹ nữa. Tất nhiên, nếu đoạt giải nhất vào thời điểm này chắc chắn tôi sẽ có sức bật nhanh hơn, vì tôi biết cách tận dụng giải thưởng tính toán chi tiết cho con đường ca hát.
- Cột mốc Tiếng hát truyền hình TP HCM giúp anh trở thành ca sĩ. Vậy cột mốc nào mang lại cho anh sự thành công hôm nay?
- Đó là khoảng cuối năm 2003, khi tôi có công việc sang Mỹ và đến New York lần đầu tiên. Tôi đi xem các vở nhạc kịch trên sân khấu Broadway và nhìn thấy tương lai của dòng nhạc bán cổ điển. Lúc đó, các nghệ sĩ của dòng nhạc này như Josh Groban hay II Divo cũng nổi lên như một hiện tượng.
Từ lâu, tôi thích cách hát bán cổ điển cho các ca khúc tiền chiến, nhưng chưa tự tin về con đường ấy. Khi đó, tôi đã làm xong album đầu tay Anh yêu em với nhiều phong cách âm nhạc để thăm dò khán giả. Tôi nghĩ mình là ca sĩ trẻ, trước nhất hãy cứ chiều theo thị hiếu rồi làm gì mình thích sau.
Tuy nhiên, chuyến đi Mỹ giúp tôi thay đổi nhận thức hoàn toàn. Tôi cần phải tạo ra con đường riêng để không bị nhạt nhòa trong số rất nhiều ca sĩ trẻ hiện nay. Về nước, tôi phát hành album Anh yêu em và bắt tay làm ngay album nhạc Phạm Đình Chương Đôi mắt người Sơn Tây. May mắn thời điểm ấy chỉ có tôi và chị Ánh Tuyết hát ca khúc này, lại chưa có ca sĩ nào ra CD có bài này. Hơn nữa, đây cũng là ca khúc của Phạm Đình Chương mà khán giả yêu cầu tôi hát nhiều nhất tại phòng trà ATB.
- Nhiều ca sĩ đi xem các sô diễn tại Mỹ là muốn khóc, thấy tủi thân vì không thể làm được như họ. Còn anh đi về nước lại tràn đầy tự tin... Điều gì tạo cho anh sự tự tin đó?
- Tôi nghĩ mình sống trong điều kiện nào thì cố gắng làm hết sức có thể, chứ muốn giống hệt người ta không biết đến bao giờ. Việc tôi tổ chức một chương trình riêng tại phòng trà, rải đều trong năm là một cách tôi học tập ở họ. Một vở nhạc kịch được dàn dựng rất công phu không chỉ diễn một, hai đêm, có vở đã diễn tới mười mấy năm.
Ở Việt Nam, tôi thấy tiếc cho những sô diễn đầu tư chất lượng, quá phí. Trong khi nghệ sĩ càng được diễn nhiều càng nhuyễn, lần sau luôn diễn tốt hơn các lần trước. Vì thế, đêm nhạc Đôi mắt người Sơn Tây, tôi làm 4 đêm, Tiếng hát Trương Chi và Yêu trong ánh sáng tôi thực hiện 10 đêm.
- Anh tính toán và nhanh nhạy với thị trường ca nhạc như một doanh nhân. Điển hình khi bộ phim truyền hình "Tuyết nhiệt đới" đang hot, anh phát hành "Yêu trong ánh sáng", ấn bản mới với hai bài anh hát trong phim. Sự nhanh nhạy ấy do đâu mà có?
- Con người tôi là vậy, không muốn cứ cắm đầu vào làm album rồi kết quả thu được là số không. Tôi phải nắm lấy thời điểm phù hợp. Album Yêu trong ánh sáng ấn bản mới rõ ràng tiêu thụ tốt hơn trước đây.
- Thành công và nổi tiếng là những giá trị vô hình, rất dễ làm người trong cuộc ảo tưởng về vị trí. Bản thân anh nghĩ sao?
- Tôi tự tin mình có cái đầu luôn tỉnh táo để biết tôi là ai, đang đứng ở đâu. Hơn nữa, tôi luôn vận động và làm việc liên tục để đạt được mục đích chứ đâu ngồi một chỗ để xây dựng các giá trị ảo.
(Theo Phong Cách)