Anh tổ chức minishow Tôi ơi đừng tuyệt vọng tại phòng khách của nhà Trịnh Công Sơn (đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3). Ca sĩ mở đầu với bài Chiếc lá thu phai. Anh từng hát ca khúc này khi tham gia đêm nhạc Trịnh Công Sơn năm 2005 - Đêm thần thoại. Sau liveshow, anh dần được biết đến.
Đức Tuấn viếng Trịnh Công Sơn tại nhà cố nhạc sĩ, tối 1/4. Ảnh: Đức Tuấn. |
Khi hát Thành phố mùa xuân, Em còn nhớ hay em đã quên, anh liên tưởng tới không gian trầm lắng của Sài Gòn những ngày qua vì Covid-19. Với bài Tôi ơi đừng tuyệt vọng, anh nhắn nhủ người nghe giữ niềm tin, thái độ tích cực trong thời gian cách ly xã hội. Anh dành tặng cố diễn viên Mai Phương - người mới qua đời sau gần hai năm trị ung thư - ca khúc Đường xa vạn dặm. Nhạc phẩm kể nỗi lòng người con tiễn mẹ về chốn "đường xa mịt mùng", được Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1992, sau khi mẹ ông qua đời.
Phần sau của chương trình, Đức Tuấn thể hiện những ca khúc của Trịnh được anh phối mới gần đây như Đóa hoa vô thường, Dã tràng ca, Ta thấy gì đêm nay... Khi hát Đóa hoa vô thường - một trong những ca khúc có thời lượng dài nhất của cố nhạc sĩ, anh khuyến khích khán giả tìm hiểu thêm ý nghĩa sâu xa của bài hát. Trịnh Công Sơn sáng tác Đóa hoa vô thường vào năm 1972, kể về từng giai đoạn con người đi tìm bản ngã, chấp nhận những được - mất của cuộc đời, đến lúc hiểu thấu bản thân cũng tới khi xa lìa trần gian.
Ca sĩ hát "chay" (không micro), sử dụng nhạc beat có sẵn thay vì nhờ người đàn để đảm bảo nguyên tắc về cách ly xã hội an toàn thời dịch. "Nhạc Trịnh đôi khi chỉ cần hát không nhạc bởi giai điệu, ca từ của ông vốn đã quá đẹp", anh nói. Ca sĩ chủ yếu chọn các bản phối acoustic để phù hợp với chất lượng âm thanh qua livestream.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - cho biết gia đình Trịnh Công Sơn vốn xem Đức Tuấn như người thân. Nhiều năm qua, anh đồng hành cùng gia đình cố nhạc sĩ trong các đêm nhạc cộng đồng mỗi dịp đám giỗ Trịnh Công Sơn. Năm nay, vì dịch bệnh, nhà cố nhạc sĩ vắng bóng khán giả, đồng nghiệp đến viếng, các sự kiện tưởng niệm cũng bị hoãn lại. Bà thấy an ủi vì nhiều ca sĩ chọn hình thức livestream để tưởng nhớ ông, đồng thời kêu gọi khán giả ở nhà tránh dịch. Trước đó, tối 31/3 (giờ địa phương) ở Mỹ, Hồng Nhung livestream gần một tiếng để giao lưu và hát tặng khán giả nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đăk Lăk, mất ngày 1/4/2001. Ông để lại hơn 600 ca khúc, trong đó khoảng 236 bài hát được phổ biến. Nhạc Trịnh Công Sơn vừa thấm đẫm chất triết lý, nhân văn, vừa hồn hậu, nồng nàn, là tình yêu lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình. Tác phẩm của ông được các ca sĩ nhiều thế hệ trình bày, nhưng phổ biến nhất là qua giọng hát Khánh Ly.
Hình thức "liveshow trực tuyến" đang được nhiều ca sĩ hưởng ứng. Hôm 27/3, Mỹ Linh làm khách mời cho số mới nhất của Music Home - series âm nhạc trực tuyến do nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn chỉ đạo nghệ thuật. Tuấn Hưng và Khắc Việt tổ chức show Live in Sweet Home - diễn ra vào tối thứ bảy hàng tuần. Đình Bảo làm series The Story với nhiều tiết mục quay tại Đà Lạt, đăng định kỳ lên kênh Youtube của anh.
Mai Nhật