"Yêu cầu trục xuất được đưa ra sau các cuộc điều tra do công tố viên liên bang thực hiện, trong bối cảnh nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động gián điệp của Mỹ tại Đức được dấy lên nhiều tháng qua", Reuters dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Seibert cho hay.
Động thái này cho thấy rõ sự tức giận của chính quyền Thủ tướng Angela Merkel đối với một đồng minh thân cận như Mỹ.
Theo AFP, Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về sự việc trên. Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia, Mỹ khẳng định mối quan hệ giữa hai nước về an ninh và tình báo luôn được đánh giá là rất quan trọng, có thể đảm bảo an toàn cho công dân hai nước.
Trong tuần qua, Đức thông báo mở cuộc điều tra vụ gián điệp thứ hai có liên quan đến Mỹ. Nghi phạm trong vụ điều tra được cho là một quan chức quân đội Mỹ. Trước đó, một nhân viên thuộc cơ quan tình báo nước ngoài BND của Đức cũng bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Mỹ. Trong số tài liệu gián điệp có thông tin điều tra của một ủy ban quốc hội Đức về cáo buộc Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Khi được hỏi về hai vụ điều tra, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng hoạt động gián điệp đối với các nước đồng minh là sự lãng phí năng lượng của quốc gia, bởi mỗi quốc gia đều có rất nhiều vấn đề và chỉ nên tập trung vào những gì quan trọng.
Cáo buộc gián điệp xuất hiện vào thời điểm quan hệ đồng minh Mỹ - Đức có nhiều vấn đề nhạy cảm. Tổng thống Mỹ Barack Obama tăng cường kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu, dẫn dầu là bà Merkel, tăng cường trừng phạt Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, bà Merkel lại phải đối mặt với áp lực chính trị nội bộ từ các nhóm vận động hành lang, không chấp nhận những biện pháp trừng phạt trực tiếp nhằm vào nền kinh tế Nga.
Sau những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Edward Snowden về chương trình theo dõi toàn cầu của Mỹ hồi năm ngoái, Berlin đã yêu cầu Washington nhất trí một "thỏa thuận không gián điệp". Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho cam kết này.
Thùy Linh