Tuyên bố được Bộ Y tế đưa ra hôm 2/8, sau cuộc họp giữa các bộ trưởng y tế của 16 bang. Kể từ tháng 9, người dân sẽ được tiêm tăng cường bằng vaccine của Pfizer hoặc Moderna, bất kể trước đó đã sử dụng vaccine gì. Bộ cũng đồng ý bắt đầu tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Quyết định mới phản ánh tình hình dịch bệnh ở Đức. Biến thể Delta đang lây truyền nhanh chóng hơn, buộc nước này tái áp đặt lệnh hạn chế trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9.
16 bang nỗ lực tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt để tránh nguy cơ bùng phát Covid-19 lần thứ 4. Hiện Đức đã tiêm chủng đầy đủ cho 52% dân số, khoảng 62% tiêm ít nhất một liều.
Chương trình tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 là hoàn toàn tự nguyện, giống với các nhóm tuổi còn lại của đất nước. Trẻ em sẽ nhận vaccine sau khi có sự đồng thuận của cha mẹ, được kiểm tra y tế để loại trừ các yếu tố rủi ro. Hiện khoảng 10% trong số 4,5 triệu trẻ em ở Đức đã được tiêm chủng đầy đủ theo diện ưu tiên.
Ngày 2/8, Anh cũng quyết định tiêm vaccine liều thứ ba cho người yếu thế, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch. Chiến dịch dự kiến bắt đầu ngày 6/9, sẽ hoàn thành vào đầu tháng 12 nếu đúng tiến độ. Giới chức hy vọng tiêm xong liều ba khoảng hai tuần trước Giáng sinh để không ảnh hưởng đến kế hoạch nghỉ lễ của người dân.
Tuần qua, Đức ghi nhận trung bình 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Đến nay nước này ghi nhận tổng cộng 3,7 triệu ca nhiễm và hơn 92.000 ca tử vong vì Covid-19.
Trong 6 tháng, chính phủ chi khoảng 230 triệu USD để tuyên truyền về tiêm chủng, sử dụng áp phích nơi công cộng, quảng cáo trên truyền hình và mạng xã hội. Thông điệp chính là "Người Đức xắn áo tiêm vaccine". Nếu tiêm chủng đủ 85-90% dân số, họ sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người còn hoài nghi và bài xích vaccine. Chương trình tiêm chủng chỉ thành công nếu thuyết phục được nhóm này.
Thục Linh (Theo Reuters)