"Khí đốt hóa lỏng (LNG) nhập tại cảng đắt hơn khí đốt qua đường ống của Nga vì lý do hậu cần", Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói với tờ Bild trong bài phỏng vấn đầu năm mới. "Do đó, giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng cao, nhưng không đến mức đột biến. Đó sẽ là bình thường mới".
Đức trong hàng chục năm qua phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ được chuyển bằng đường ống của Nga. Nhưng từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Đức đã quay lưng với khí đốt Nga, nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và chủ yếu dựa vào nhập khẩu LNG với giá đắt hơn để làm đầy kho dự trữ.
Theo Bộ trưởng Lindner, Đức cần chính sách năng lượng "không định kiến" để giữ cho ngành công nghiệp phát triển. Theo ông, ngoài năng lượng tái tạo, Đức cần xem xét các nguồn từ khí đốt, dầu mỏ, hạt nhân trong cơ cấu năng lượng của mình.
Ông Lindner cũng dự báo lạm phát ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ giảm xuống 7% trong năm nay và tiếp giảm từ 2024 trở đi, với mục tiêu là 2%. "Đây phải là ưu tiên hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và chính phủ Đức", ông nhấn mạnh.
Lạm phát ở Đức giảm nhẹ xuống 11,3% trong tháng 11/2022, so với mức 11,6% vào tháng trước đó.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng lên mức chưa từng có trong suốt năm 2022, do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine làm gián đoạn nguồn cung từ các đường ống. Tuy nhiên, khí đốt đã giảm giá trong những tuần gần đây do mùa đông ấm bất thường ở một số khu vực, cùng các yếu tố khác.
Dữ liệu từ cơ quan công nghiệp Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu cho thấy tính tới ngày 27/12, Liên minh châu Âu (EU) đã lấp đầy khoảng 83,2% kho chứa khí đốt.
Năm 2022, EU đã ký các thỏa thuận khí đốt với Mỹ, Qatar và các nước khác để giảm phụ thuộc khí đốt Nga. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu có thể thiếu khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt trong năm 2023 và thị trường khí đốt toàn cầu sẽ trở nên khốc liệt hơn.
Đức Trung (Theo RT, Reuters, Guardian)