Viện Paul Ehrlich, cơ quan quản lý phát triển vaccine ở Đức, là nơi thực hiện thử nghiệm lâm sàng này. Vaccine được đưa vào thử nghiệm là BNT162b1, phát triển bởi nhà nghiên cứu ung thư và miễn dịch học Ugur Sahin cùng công ty dược phẩm BioNTech.
Trong một cuộc họp với Viện Paul Ehrlich ngày 22/4, ông Sahin cho biết vaccine BNT162b1 được tạo thành dựa vào RNA. Theo đó, vật liệu di truyền vô hại của nCoV sẽ được chuyển vào tế bào người với sự trợ giúp của các hạt nano lipid. Các tế bào sau đó biến đổi vật liệu di truyền này thành protein, kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại virus.
Thử nghiệm lâm sàng đầu tiên BNT162b1 sẽ thực hiện trên 200 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55. Mục đích là để xác định phản ứng miễn dịch và kiểm tra xem liệu vaccine có gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào không.
"Thử nghiệm vaccine trên người là một cột mốc quan trọng trên tiến trình tìm ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả chống lại Covid-19 cho người dân Đức nói riêng và thế giới nói chung", đại diện Viện Paul Ehrlich cho biết.
Thử nghiệm sẽ bắt đầu vào cuối tháng 4, dự kiến hoàn thành sớm nhất trong tháng 6. Sau khi giai đoạn này hoàn tất, viện Paul Ehrlich sẽ xác định xem vaccine này có tiềm năng để tiến đến các giai đoạn thử nghiệm tiếp theo hay không.
Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại Đức và là vaccine thứ 7 trên thế giới được cấp phép để thử nghiệm trên người. Từ giữa tháng 3, Mỹ cấp phép hai loại vaccine, Trung Quốc bốn loại, để thử nghiệm lâm sàng.
Tính đến ngày 23/4, thế giới ghi nhận gần 183.000 người chết, hơn 2,6 triệu ca nhiễm nCoV, các điểm nóng vẫn ở Mỹ và châu Âu. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 846.982 ca nhiễm và 46.609 người chết, tăng lần lượt 23.725 và 1.804 trường hợp. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ Robert Redfield cảnh báo làn sóng thứ hai có thể tấn công Mỹ vào mùa đông tới và mạnh hơn hiện nay.
Tại Đông Nam Á, Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 10.141 ca nhiễm, tăng 1.016 ca. Nguyên nhân do gia tăng các ổ dịch liên quan đến ký túc xá dành cho lao động nước ngoài và nước này tăng cường xét nghiệm.
Lê Cầm (Theo DW)