- Tại sao anh chọn Trạng Quỳnh cho tác phẩm Tết năm nay?
- Năm ngoái, tôi được đặt hàng làm phim cổ trang và quyết định "đổi gió" sau bốn tác phẩm lấy bối cảnh hiện đại. Tôi rất thích Trạng Quỳnh, từng đóng vai này trên sân khấu. Nhân vật này phù hợp với tiêu chí của tôi về một phim hài mang chất dân gian, có tiềm năng hút khách mùa Tết. Về kịch bản, tôi không làm lại các giai thoại cũ mà tạo câu chuyện mới, chỉ giữ lại tính cách và một số tình tiết quá nổi tiếng về Trạng Quỳnh.
- Nhân vật của anh khác gì so với phiên bản gốc?
- Các truyện về Trạng Quỳnh do người xưa nghĩ ra, mang tính phản kháng cường hào ác bá, bất công. Tuy nhiên, tình huống đôi khi hơi vặt vãnh. Phim mới không tôn vinh sự khôn vặt mà đẩy nhân vật lên tầm cao hơn. Quỳnh vẫn thông minh, mưu mẹo nhưng hướng đến những điều có ý nghĩa hơn. Cuối hành trình, Trạng Quỳnh phải cho thấy suy nghĩ của mình đủ sức làm quan, lo cho nhân dân. Tác phẩm ca ngợi cái thiện, sự nghĩa hiệp và tinh thần xả thân vì xã tắc.
Để đạt điều này, chúng tôi tìm cách biến tấu chất liệu gốc. Trong truyện, Trạng Quỳnh đấu với sứ Trung Quốc xem ai vẽ được nhiều con vật hơn trong cùng thời gian. Gần hết giờ, Quỳnh chấm mười đầu ngón tay vào mực, trét lên giấy thành vệt dài ngoằn ngoèo tượng trưng cho mười con giun. Phim mới cũng có cuộc thi vẽ nhưng Quỳnh thắng bằng cách khác, mang thông điệp xã hội chứ không dựa vào mẹo vặt.
- Phục trang của phim không theo sát quần áo thời chúa Trịnh (giai đoạn Trạng Quỳnh sống). Anh nghĩ sao?
- Tôi hướng đến phim hài dân gian chứ không phải tác phẩm lịch sử. Do đó, tôi không đặt nặng sự chuẩn xác về trang phục. Tác phẩm của tôi sẽ thoải mái về phong cách, giúp khán giả dễ tiếp cận. Tuy nhiên, bối cảnh và phục trang phải gợi được cảm giác về thời xưa cùng những nét văn hóa Việt. Thật ra, nếu tôi có làm đúng theo trang phục cổ vẫn sẽ gây tranh cãi do cùng thời kỳ lại có nhiều phiên bản, tài liệu khác nhau về quần áo.
- Tại sao anh giao vai chính cho Quốc Anh - hot boy ít kinh nghiệm diễn xuất?
- Tôi không có tiêu chí rõ ràng mà chọn vai dựa trên hình dung, cảm giác. Trước Quốc Anh, ê-kíp giới thiệu nhiều người nhưng tôi vẫn đắn đo, thấy không ổn. Quốc Anh từng casting với Thanh Thúy, bị vợ tôi nhận xét là phần thoại không lanh lợi. Tuy nhiên, khi gặp cậu ấy, tôi thấy nhân dáng, khí chất hợp với tưởng tượng của mình - mặt sáng sủa, lém lỉnh nhưng có tính thiện.
Với điểm yếu của Quốc Anh, tôi điều chỉnh kịch bản để không có các câu thoại quá dài. Ở những ngày quay đầu, tôi bố trí cho cậu ấy các cảnh không thoại làm quen không khí trường quay. Sau đó là các cảnh có hai, ba câu thoại rồi tăng dần độ khó. Sự thiếu kinh nghiệm thật ra cũng là lợi thế do tôi có thể dễ dàng hướng dẫn Quốc Anh theo cách mình muốn.
- Anh chọn lựa và làm việc với Nhã Phương, Trấn Thành thế nào?
- Hình dung của tôi về Điềm là nữ tính nhưng không quá ủy mị kiểu phim Hong Kong, mạnh mẽ nhưng không được bộc lộ quá mức như người thời nay. Dù Nhã Phương lớn hơn Quốc Anh nhiều tuổi, tôi vẫn chọn do gương mặt cô ấy phù hợp. Ở dạng phim cổ trang, thần thái diễn viên quan trọng nhất.
Còn Xẩm là nhân vật hoàn toàn hư cấu, được sáng tạo để gây cười và hợp lối diễn Trấn Thành. Tôi đánh giá cao sự chuyên nghiệp và cố gắng của Trấn Thành cho vai diễn. Anh theo đoàn đến 22 ngày và bỏ nhiều show diễn.
- Thành công của "Siêu sao siêu ngố" năm ngoái (108 tỷ) khiến anh gặp thuận lợi và áp lực gì?
- Nhìn lại thành công đó, tôi thấy mình có phần may mắn, được tổ đãi. Mỗi phim thành công tạo thêm sự tin tưởng, giúp tôi có cơ hội làm các dự án lớn và mạo hiểm hơn. Trạng Quỳnh có kinh phí 22 tỷ, được quay ở ba miền đất nước. Tuy nhiên, tôi không thích những danh xưng kiểu "ông hoàng phòng vé", "đạo diễn trăm tỷ" do dễ gây áp lực không đáng.
- Từ sân khấu rẽ sang điện ảnh, anh nghĩ điểm mạnh và yếu của mình là gì?
- Mỗi khi ra phim mới, tôi đều đọc các nhận xét, bình luận. Nhiều người chê tôi mắc điểm yếu khi xuất thân từ sân khấu. Tuy nhiên, tôi nghĩ kinh nghiệm đóng và đạo diễn kịch gần 20 năm giúp tôi rất nhiều. Các phim đạt doanh thu tốt của tôi cũng nhờ vốn liếng này. Tôi hiểu khán giả sẽ tiếp nhận câu chuyện nào, yêu thích nhân vật nào. Về kỹ thuật, kịch giúp tôi có cảm giác tốt về nhịp điệu - điều quan trọng nhất trong hài kịch. Tình huống giống như một đường thẳng, phải có một tình tiết "đóng chốt" đúng lúc thì tiếng cười mới bật lên. Nếu pha đó đến quá sớm hay quá trễ thì cảnh phim thành vô duyên. Đây cũng là nguyên nhân mà ở nhiều phim, diễn viên cố làm điệu bộ hài hước nhưng không thể gây cười.
Tôi đồng tình với ý kiến chê mình thiếu chất điện ảnh. Mỗi kịch thường có bảy cảnh, sự việc dồn nén còn phim điện ảnh có nhiều cảnh hơn và phải tính đến góc máy, ánh sáng. Trong tương lai, tôi sẽ trau dồi thêm về điều này, để chất điện ảnh rõ nét hơn. Về tổng thể, phim ảnh là cuộc chơi khắc nghiệt hơn nhiều so với kịch. Ở sân khấu, bạn có thể làm một, hai vở không có doanh thu vẫn được. Nhưng chỉ cần một phim điện ảnh không đạt doanh thu là chới với.
- Theo anh, tố chất nào cần thiết với đạo diễn?
- Hai điều nhất thiết phải có là xử lý kịch bản và chỉ đạo diễn xuất. Đạo diễn đọc kịch bản phải biết điểm mạnh, yếu và tìm được cách quay, phân cảnh. Khi ra hiện trường, đạo diễn phải biết chỉ đạo, lèo lái diễn viên để ra một tông nhất định cho phim. Nếu để họ tự đóng theo ý mình, phim sẽ thành nồi lẩu thập cẩm, giống chương trình tạp kỹ. Phải biết kiểm soát, phát huy điểm mạnh và tiết chế điểm yếu của diễn viên.
- Kế hoạch của anh trong tương lai là gì?
- Tôi có những dự tính dài hơi trong sự nghiệp. Từ trước phim đầu tay, tôi ấp ủ một dự án lịch sử nhưng biết chắc nếu làm khi đó sẽ "tan xác" (cười). Có những lúc tay nghề, thị trường chi phối quyết định làm phim của mình. Một, hai năm tới, tôi hy vọng thực hiện được tác phẩm mơ ước này do mình cũng không còn trẻ nữa. Ngoài ra, tôi muốn đóng cùng Thanh Thúy trong một phim hài về cuộc sống vợ chồng, do người khác đạo diễn. Gần đây, Việt Nam ít tác phẩm về chủ đề này còn Thanh Thúy đang rất khát khao một vai hài.
Điểm xuyên suốt trong phong cách của tôi vẫn là tính thương mại. Tôi không làm phim cho riêng mình mà tác phẩm phải hướng đến đại chúng. Phim của tôi sẽ mang thông điệp, câu thoại hướng đến giới trẻ, khiến họ hiểu và cảm được. Với dự án lịch sử đang ấp ủ, tôi tin đó cũng là một phim có khán giả chứ không khô khan.
Đức Thịnh sinh năm 1975, hoạt động nhiều năm ở sân khấu kịch Phú Nhuận trước khi đạo diễn điện ảnh. Các phim anh đã làm là Ma dai, Sứ mệnh trái tim, Taxi, em tên gì? và Siêu sao siêu ngố. Nghệ sĩ kết hôn với Thanh Thúy năm 2008. Bộ đôi đang trông đợi con thứ hai chào đời.
* Xem thêm: Đường đua phim Tết 2019
Ân Nguyễn