Công nhân đang lắp đặt cảng tiếp nhận khí hóa lỏng nhập khẩu (LNG) đầu tiên của Đức gần Wilhelmshaven, Biển Bắc. Bắt đầu từ mùa đông năm nay, giàn nổi này có thể cung cấp lượng khí đốt tương đương 20% khí nhập khẩu từ Nga.
Chính phủ Đức đã đầu tư hàng tỷ USD vào 5 dự án như dự án ở Wilhelmshaven. Các dự án mới sẽ xử lý khoảng 25 tỷ m3 khí mỗi năm, gần bằng một nửa công suất đường ống Nord Stream 1 nối từ Nga sang châu Âu.
Tại công trường ở Wilhelmshaven, phần nền bê tông xây dở nổi lên mặt biển, công nhân mặc áo bảo hộ lao động màu vàng làm việc trong lớp sương mù. Trên đất liền, dòng xe tải liên tục chở các đoạn ống dẫn màu xám nối cảng với mạng lưới khí đốt.
Các cảng LNG được dùng để tiếp nhận khí tự nhiên đã được làm lạnh và hóa lỏng để dễ dàng vận chuyển bằng đường biển. Tàu FSRU, tàu chuyên dụng để tái hóa khí LNG, được nối với giàn nổi.
Không như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức tới nay vẫn chưa có cảng LNG nên phải dựa vào đường ống khí đốt của Nga. Nhưng từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Đức đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc vào khí đốt Nga, chiếm 55% khí đốt cung cấp cho Đức.
Thủ tướng Olaf Scholz tuần trước ký thỏa thuận với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất về cung cấp LNG, đồng thời công du hàng loạt quốc gia Vùng Vịnh để tìm nguồn cung mới. Berlin cũng chi 2,9 tỷ USD để thuê 5 tàu FSRU lắp đặt vào cảng mới.
Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, Đức thông qua luật đẩy nhanh quá trình phê duyệt trạm LNG. Ở Wilhelmshaven, công việc đang tiến triển nhanh. Holger Kreetz, giám đốc vận hành của công ty năng lượng Đức Uniper, cho hay cảng Wilhelmshaven sẽ hoàn công trong mùa đông này.
Tầm quan trọng chiến lược của cảng là yếu tố thúc đẩy công việc xây dựng tiến triển nhanh. "Bình thường, một dự án như thế này phải mất 5-6 năm", Kreetz cho hay.
Cảng mới cũng được người dân Wilhelmshaven hoan nghênh. Quá trình phi công nghiệp hóa đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở đây lên tới 10%, gần gấp đôi mức trung bình cả nước. "Thật tốt khi xây cảng ở Wilhelmshaven. Cảng mới sẽ mang lại việc làm", Ingrid Schon, 55 tuổi, nói.
Một số nhóm phản đối vì e ngại ảnh hưởng môi trường. Tổ chức môi trường DUH của Đức cho rằng công trình sẽ "phá hủy hệ sinh thái nhạy cảm, ảnh hưởng không gian sống của các loài cá heo đang bị đe dọa".
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, chính trị gia đảng Xanh, bác bỏ chỉ trích về dự án và nhấn mạnh tầm quan trọng của "an ninh năng lượng".
Tới năm 2030, nơi này sẽ được chuyển đổi thành cảng nhập khẩu khí hydro xanh sản xuất bằng nhiên liệu tái tạo mà Berlin đang thúc đẩy trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Hồng Hạnh (Theo AFP)