Trong thông điệp gửi đến tăng ni, phật tử trong và ngoài nước nhân dịp đại lễ Phật đản năm 2020, Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ nhấn mạnh quan điểm trên.
Ông cho rằng, những lời Đức Phật từng nói về sự đoàn kết, sự đồng thuận xã hội, được ghi trong Kinh Trường Bộ (Digha Nikaya) vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi người hôm nay, khi nhân loại đang phải đương đầu với Covid-19.
Đại dịch đang hoành hành trên toàn cầu, làm thế giới lâm vào khủng hoảng sâu sắc; tác động, làm ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt đời sống xã hội của tất cả quốc gia. Dù vô hình và siêu nhỏ, song nCoV đã làm hơn hai triệu người bị nhiễm bệnh và hàng trăm nghìn người tử vong.
"Mỗi quốc gia, mỗi công dân của một đất nước đều trở về với hành động chính niệm trong sự tỉnh thức, nhìn nhận về văn hóa sinh hoạt, về ý thức đồng thuận trong xã hội và trên hết là phải học tập theo các công dân Vajji thời Đức Phật", Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ kêu gọi.
Ông mong muốn, tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước hãy hành động thiết thực, đóng góp công sức để cùng xã hội vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng nước Việt Nam vững mạnh, phát triển.
Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng kêu gọi "đây là thời khắc mà nhân loại cùng nhau đoàn kết, thức tỉnh, nhận biết về bản thân, nhận biết về thế giới xung quanh và quan tâm hơn đến vận mệnh nhân loại".
Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết thêm, từ hôm nay (30/4), các chùa, tự viện trong cả nước sẽ cử chuông chào đón Phật Đản, cầu nguyện quốc thái dân an. Tuy nhiên, để phòng chống Covid-19, tất cả các cơ sở thờ tự Phật giáo trong cả nước đều phải thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế người tham dự. Giáo hội khuyến khích các chùa tổ chức lễ Phật đản trực tuyến để tăng ni, phật tử tham dự qua điện thoại, mạng xã hội.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tuỳ theo quan niệm.
Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).