"Rõ ràng là chúng ta phải dừng mọi quan hệ kinh tế với Nga càng nhanh càng tốt. Chúng ta phải lên kế hoạch trừng phạt cứng rắn, song nguồn cung khí đốt không thể thay thế trong thời gian ngắn. Chúng ta sẽ tự gây tổn hại cho mình nhiều hơn là cho họ", Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner phát biểu ở Luxembourg hôm 4/4.
Bộ trưởng Đức khẳng định cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga "phải cần thời gian". Ông gợi ý rằng thay vì lệnh cấm chung với tất cả nguồn năng lượng từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) có thể xem xét áp lệnh cấm với từng mặt hàng như dầu, than và khí đốt.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm 4/4 kêu gọi EU thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu khí đốt Nga, làm dấy lên hy vọng Đức đang suy nghĩ lại về lệnh trừng phạt khí đốt từ Moskva. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng bày tỏ quan điểm giống Bộ trưởng Lindner, rằng ông phản đối lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga ngay lập tức.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.
Khí đốt từ Nga, được chuyển tới Đức qua các đường ống cố định, là nguồn cung năng lượng mà Berlin khó loại bỏ nhất. Đức hiện nhập khẩu 55% khí đốt của Nga. Một nửa lượng than của Đức cũng mua từ Nga, nhưng gần đây Berlin đã tìm thêm nhiều nguồn cung khác.
Trong khi Mỹ và một số nước Đông Âu trong NATO kêu gọi tẩy chay năng lượng Nga ngay lập tức để phản ứng với chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức và một số nước khác vẫn e dè, cho rằng quyết định như vậy gây thiệt hại quá lớn về kinh tế.
Ủy ban châu Âu hôm 28/3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. EU và Mỹ trước đó cũng ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu. Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế, cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho thị trường EU vào năm 2022 và tiếp tục tăng trong tương lai.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)